Một chuyến du lịch tại An Giang nói chung và thành phố Châu Đốc nói riêng, dù bạn đi đâu làm gì thì cũng nên ghé thăm làng Chăm Châu Giang một lần. Một làng Chăm nổi tiếng trong số những làng Chăm nổi tiếng theo tín ngưỡng Hồi giáo ở An Giang khi còn lưu giữ rất nhiều nét văn hóa, tập tục truyền thống sau biến cố hàng trăm năm lịch sử dân tộc. Một làng Chăm là nơi cho bạn cái nhìn đa chiều về cuộc sống mà bài viết dưới đây, Godidigo.com sẽ giới thiệu đầy đủ đến cho bạn.
Xem thêm: Tour Làng bè nổi và làng Chăm Châu Đốc
Nội dung bài viết
Làng Chăm Châu Giang và những điều cần biết
Tính đến thời điểm hiện tại, An Giang có 11 làng Chăm với hơn 3,500 hộ với tổng số dân hơn 15,000 nghìn người tập trung sinh sống quanh khu vực 2 bên bờ sông Châu Giang (sông Hậu Giang và sông Khánh Bình) thuộc địa bàn các huyện Châu Phú, Châu Thành, thị xã Tân Châu và số ít tại 2 thành phố Châu Đốc và Long Xuyên. Trong số 11 làng Chăm ở An Giang này thì làng Chăm Châu Giang hiện thuộc địa bàn quản lý của xã Châu Phong, thị xã Tân Châu (nơi gặp nhau của hai nhánh sông Tiền sông Hậu chảy vào đất Việt và là nơi giáp ranh của hai thị xã Tân Châu và Châu Đốc), tỉnh An Giang.
Nhìn trên bản đồ hành chính thì làng Chăm Châu Giang chỉ cách trung tâm thành phố Châu Đốc khoảng chừng 3km về hướng Bắc phía đầu nguồn Châu Thổ sông Cửu Long; cách bến đò Châu Phong của làng Chăm Châu Phong hơn 2km và làng Chăm Đa Phước khoảng 4,3km theo hướng đường sông Bassac. Với khoảng cách này, việc di chuyển đến làng Chăm Châu Giang khá dễ dàng. Chỉ cần đến đến bến phà Châu Giang hoặc bến phà gần công viên 30 tháng 4 thuê thuyền rồi vượt sông Bassac khoảng 8 phút, sau đó cập phà Châu Giang bên kia sông là đến làng Chăm Châu Giang.
Theo tìm hiểu thực tế thì được biết, làng Chăm Châu Giang là một trong số 11 làng Chăm theo tín ngưỡng Hồi giáo ở An Giang có số dân đông chuyên tập trung sinh sống ven bờ sông Châu Giang với các nghề chính như: buôn bán (thuốc, thổ cẩm, trang sức, hàng hóa gia dụng, ..) đánh bắt thủy sản trên sông và đan dệt thổ cẩm. Đồng bào Chăm ở đây có nguồn gốc xuất xứ từ nhiều tộc người khác nhau như Malaysia, Indonesia và Campuchia. Chính từ điều này mà ngôn ngữ sử dụng trong cuộc sống hàng ngày gồm tiếng Mã Lai, tiếng Campuchia. Tuy nhiên, để không phải khó khăn khi giao tiếp do thuộc hai, ba nhóm khác nhau thì họ dùng tiếng Việt như ngôn ngữ phổ thông để trao đổi. (Theo lời ông Mouhamach, Giáo cả Thánh đường Mubarak tại ấp Châu Giang).
Bên cạnh thông tin mà Giáo cả Mouhamach cung cấp, một số tài liệu ghi chép về thời Nguyễn thì lại cho rằng: “Đồng bào Chăm An Giang có nguồn gốc xuất phát từ Nam Trung Bộ (Vùng Panduranga xưa, nay là Bình Thuận và Ninh Thuận), do chiến tranh liên miên với Đại Việt nên trước thế kỷ XVII họ đã di cư sang Campuchia (Chân Lạp) và sinh sống tại đây. Cụ thể, …
“Năm 1699, chúa Nguyễn Phúc Chu cử Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh đem quan sang Campuchia để giúp vua Ang Em (trị vị Chân Lạp (1700 – 1701) và (1710 – 1722), hiệu là “Keo Fa III” và “Barom Ramadhipati”) để giải quyết tình hình anh em trong dòng tộc tranh chấp ngôi báo. Tại đây, một số nhóm người Chăm đã gia nhập vào đạo quân của Nguyễn Hữu Cảnh.
Năm 1840, sau khi kết thúc cuộc chiến với Xiêm La, vua Minh Mạng lệnh cho khâm sai đại thần Lê Văn Đức, phó khâm sai Doãn Quẩn và tướng quân Trương Minh Giảng rút quân từ Campuchia rút về Châu Đốc. Trong lúc hành quân, số đông người Chăm đã theo làm binh lính, cận vệ của đoàn quân Lê Văn Đức. Đến Châu Đốc, họ thành lập các ấp nhỏ và cư trú dọc đầu nguồn sông Hậu cho tới khi chúa Nguyễn mở mang bờ cõi đến một phần hai lãnh thổ miền Tây Nam Bộ bây giờ.
Năm 1816, khi thành Châu Đốc được đắp xong, Trấn thủ trấn Vĩnh Thanh Lưu Phước Tường tâu lên, vua Gia Long xem địa đồ miền đất này liền truyền: “Xứ này nếu mở đường thủy thông với Hà Tiên, thì hai đàng nông thương đều lợi. Trong tương lai, dân đến ở làng đông, đất mở càng rộng, sẽ thành một trấn to vậy”. Chính vì vậy mà vua Gia Long đã hạ lệnh cho đào con kênh Vĩnh Tế vào ngày 15 tháng Chạp năm Kỷ Mão (1819).
Người được giao trọng trách đào con kênh này là Thoại Ngọc Hầu. Để thực hiện nhanh tiến độ nên triều đình Huế đã thành lập người Chăm nơi đây thành các đạo quân bảo vệ thành Châu Đốc, đồng thời cùng 80,000 cư dân Khmer, Kinh gian khổ ngày đêm đào con kênh Vĩnh Tế.
Sau khi con kênh Vĩnh Tế hoàn tất, cả triều đình Huế xem đây như thành quả to tát nên đã cấp đất cho các đạo quân người Chăm thành lập 7 làng Chăm sinh sống trên mảnh đất An Giang. Khoảng thời gian sau thì phát triển thêm một số làng Chăm nữa”.
Qua những thông tin từ sử liệu này, thì có thể nói, đồng bào người Chăm ở Am Giang và Ninh Thuận, Bình Thuận đều chung một gốc. Tuy nhiên, vì những tiếp biến văn hóa trong lúc lịch sử có nhiều biến cố quan trọng nên văn hóa và tín ngưỡng có chút khác biệt. Ví dụ điển hình, người Chăm ở An Giang nói chung và làng Chăm Châu Giang nói riêng đều theo đạo hồi, gọi là Chăm Islam, Chăm Awal (Chăm mới). Còn người Chăm tại Ninh Thuận, Bình Thuận phần lớn theo đạo Bàlamôn hay còn gọi là chăm Ahier, Chăm Ấn giáo, Chăm thiêu (cuh). Một bộ phận khác theo đạo Bàni (Chăm Bàni hoặc chăm cũ) và Chăm Hồi giáo (Chăm Islam, bộ phận này ở Ninh Thuận và Bình Thuận không nhiều).
Có một điểm chung mà không thể chối cãi khi nói đến đại bộ phận người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận theo đạo Bàni và Hồi giáo và người Chăm ở An Giang là họ không ăn thịt heo, con trai không được uống rượu (ngày trước cấm hoàn toàn nhưng ngày nay đã được cởi mở), không được đeo vàng, vào tháng Ramadam phải nhịn ăn và cầu nguyện 5 lần/ngày, … đặc biệt là còn một số tục lệ như ăn bốc, cấm cung đối với các cô gái Chăm từ tuổi dậy thì đến khi lấy chồng (riêng tập tục này ngày nay đã được xóa bỏ, phụ nữ tham gia vào các hoạt động xã hội), …Hàng năm họ có ba kỳ lễ lớn: Lễ Roja vào ngày 10 tháng 12 Hồi lịch; Lễ Ramadam (hay còn gọi là lễ ăn chay, tháng ăn chay) kéo dài từ ngày 1 đến hết ngày 30 tháng 9 Hồi lịch; Lễ sinh nhật của Giáo chủ Muhammed vào ngày 12 tháng 3 Hồi lịch.
Còn với đại bộ phận người Chăm Bàlamôn ở Ninh Thuận, Bình Thuận thì ngược lại. Họ thờ thần, thờ thánh và ông ba tổ tiên như Mẹ xứ sở Po Nư I Gar, thần Po Sha I Nư, thần Po Klaong Garai, Thần Po Rome … Họ không ăn thịt bò, theo chế độ mẫu hệ và hàng năm tổ chức nhiều lễ hội. Trong đó, 4 lễ hội lớn là lễ chuyển mùa (Yor yang), lễ tưởng nhớ những người đã khuất (Kate), lễ tưởng nhớ Mẹ xứ sở (Cabbur) và lễ mở cửa tháp (Pơh Bannơng Yang).
Khám phá làng Chăm Châu Giang
Trong số các làng Chăm ở An Giang thì có thể nói, làng Chăm Châu Giang là nơi còn lưu giữ khá nhiều nét văn hóa độc đáo trong đời sống vật chất lẫn tinh thần. Nổi bật trong số đó có thể kể đến nghề dệt thổ cẩm truyền thống, tập tục sinh sống nhà sàn và tín ngưỡng Hồi giáo dưới bóng thánh đường. Chính từ điều này mà làng Chăm Châu Giang thường được các các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ tìm đến để lấy cảm hứng sáng tác nhiều tác phẩm văn học và nghệ thuật.
Thông thường một chuyến du hành đến đây, một gợi ý là bạn nên chọn thuyền để di chuyển và điểm đến là các nhà sàn ven sông chứ không phải phà Châu Giang. Bằng điều này, bạn sẽ được ngắm nhìn trọn vẹn không cảnh bình yên của một làng Chăm theo tín ngưỡng hồi giáo nơi miền sông nước với các hình ảnh của những chàng trai chèo xuồng đi đánh cá, các cô gái dệt vải, thêu thùa, các cụ già ngồi uống trà trò chuyện; các em nhỏ vui chơi đùa giỡn hay các bà mẹ đang đi chợ, buôn hàng. Để rồi khi đặt chân lên những ngôi nhà sàn truyền thống, những cô thiếu nữ đang thẹn thùng trong chiếc khăn choàng đầu được thả lơi hoặc cột gọn bao trùm mái tóc với những họa tiết, hoa văn rất trang nhã. Cùng với đó là các chàng trai mặc xà-rông kẻ sọc ca-rô, áo sơ-mi cùng với chiếc nón vải tròn để đội đầu luôn nở nụ cười chào đón bạn đến với làng của họ.
Cũng tại đây, bạn sẽ được tham quan tìm hiểu nghề dệt thổ cẩm truyền thống đã có từ hàng trăm năm qua. Mặc dù thổ cẩm ở đây không khác gì mấy với thổ cẩm của đồng bào Chăm tại Ninh Thuận và Bình Thuận. Nhưng vì có sự tiếp biến văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo giáo khác nhau nên mỗi hoa văn được thể hiện trên từng sản phẩm đã tạo nét ấn tượng riêng biệt.
Xen lẫn với những món hàng thổ cẩm được dệt hoàn toàn bằng thủ công, tại cơ sở được xem như là điểm tham quan còn có những mặt hàng trang sức như vòng, dây chuyền, hoa tai, bông tai, … cũng được đồng bào Chăm nơi đây làm hết sức công phu và bắt mắt. Nếu muốn mua để sử dụng hoặc để làm quà cho người thân và bạn bè thì những món đồ này là một sự lựa chọn hợp lý.
Song cùng với nghề dệt thổ cẩm và làm trang sức truyền thống, điểm nhấn trong văn hóa tín ngưỡng người Chăm Châu Giang chính là những ngôi nhà sàn gỗ đã có tuổi đời hàng trăm tuổi. Đây mới thật sự là những điều được nhiều người quan tâm khi đến làng Chăm Châu Giang nói riêng và các làng Chăm khác ở An Giang nói chung.
Khác với những ngôi nhà sàn của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao, nhà sàn ở làng Chăm Châu Giang được cất rất cao và hoàn toàn sử dụng các loại gỗ quý nguyên khối như cẩm lai, căm xe, cà chất… đặc biệt có nhiều ngôi nhà dùng cả gỗ giáng hương.
Qua quan sát và tìm hiểu thì mới biết, nhà sàn của người Chăm làng Châu Giang được thiết kế hết sức tinh tế theo không gian rộng, thoáng mát với thiên nhiên. Nhà khi làm sẽ được chia thành hai loại là nhà nhỏ 4 gian và nhà lớn 5 gian. Theo phong thủy thì mặt tiền luôn quay về hướng nam và phải có một cái thang bằng gỗ để đi lên đi xuống. Hai cửa cái ra vào hơi thấp so đầu người để khi người lạ vào nhà phải cúi thấp với ý chào chủ nhà. Tùy theo điều kiện của mỗi gia đình mà loại gỗ dùng cất nhà sẽ thể hiện đẳng cấp của gia chủ.
Có một điều khác biệt của nhà sàn ở làng Chăm Châu Giang bên trong không có bàn ghế, vì vậy mà khi khách đến nhà thì chủ nhà thường trải chiếc chiếu hoặc tấm thảm để chủ khách cùng ngồi xếp bằng trên sàn gỗ. Đặc biệt trong nhà có một khung cửa có màn che được trang trí tùy được trang trí bắt mắt để ngăn cách với gian nhà trong. Theo tập tục, đây là khu vực sinh hoạt hoàn toàn dành riêng cho đàn bà con gái, đàn ông con trai không được vào. Do đó mà khu vực này rất được coi trọng khi có khách hoặc người là đến nhà chơi.
Bên cạnh những tập tục và sinh hoạt này, nét đẹp trong tín ngưỡng Hồi giáo nơi thánh đường Mubarak cũng là một yếu tố quan trọng tô vẽ lên bức tranh văn hóa đa màu sắc của đồng bào Chăm làng Châu Giang. Nếu có dịp về An Giang, bạn hãy một lần đến thăm làng Chăm Châu Giang để cảm nhận bao điều kỳ thú.
Cách đi và kinh nghiệm khi tham quan làng Chăm Châu Giang
- Địa chỉ: Làng Chăm Châu Giang – xã Châu Phong – thị xã Tân Châu – tỉnh An Giang.
- Thời gian: nên bắt đầu lúc 7h00 và kết thúc lúc 17h00.
- Kinh nghiệm thuê tàu: Liên hệ thuê tàu tại lễ tân khách sạn nếu muốn đi riêng hoặc trực tiếp đến bến phà Châu Giang gần công viên 30 tháng 4 di chuyển bằng phà.
- Kinh nghiệm tham quan: Làng Chăm Châu Giang không lớn, cho nên bạn có thể đi bộ khám phá mà không cần đến phương tiện nào, từ việc di chuyển bằng tàu hoặc thuyền qua sông.
Vài điều lưu ý trong giao tiếp khi đến làng Chăm Châu Giang
- Hạn chế nói chuyện với phụ nữ đã có chồng và xin phép trước nếu muốn chụp hình với các cô gái tại các cơ sở dệt thổ cẩm.
- Tuyệt đối không sử dụng ngôn ngữ, hành động có liên quan đến vấn đề tôn giáo khi giao tiếp và nên tuân thủ một số quy tắc cơ bản giữa người khác giới với nhau.
- Không soi mói hoặc so sánh văn hóa, con người cũng như lịch sử.
- Không nhìn chầm chầm vào người phụ nữ hoặc có các hành động đi quá sự cho phép.
- Thánh đường là nơi tôn nghiêm, vì vậy muốn làm gì cũng phải có sự cho phép.
- Trả giá với những món hàng thổ cẩm, đồ lưu niệm là việc không nên làm ở đây.