Một trong những điều hạnh phúc nhất của người yêu du lịch, thích khám phá chính là chinh phục bốn cực “Đông – Tây – Nam – Bắc” thiêng liêng của tổ quốc. Trong phạm vi bài viết này, Godidigo.com xin được chia sẻ đến các bạn trọn bộ kinh nghiệm Phượt hải đăng Mũi Điện – nơi từng được xem là cực Đông của Tổ Quốc.
Nội dung bài viết
Hải đăng Mũi Điện (Mũi Đại Lãnh) ở đâu?
Nằm về phía Nam trung tâm thành phố Tuy Hòa khoảng chừng 34km thuộc địa phận xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Mũi Điện hay còn gọi là hải đăng Mũi Điện hay mũi Đại Lãnh, là nơi cùng với mũi Đôi (Khánh Hòa) đón bình minh sớm nhất ở Việt Nam.
Theo ghi chép, Mũi Đại Lãnh do một tướng lĩnh người Pháp tên Varella phát hiện trong một lần đi khảo sát thực địa. Từ đó, mũi đá này do người Pháp đóng giữ với tên gọi của tướng lĩnh đã phát hiện ra nó là Cap Varella.
Ngày 25 tháng 8 năm 1883, triều đình Nguyễn ký với Pháp Hòa ước Harmand, trong đó điều 8 cho phép thực dân Pháp xây dựng ngọn hải đăng tại mũi Varella. 7 năm sau đó (1890), người Pháp chính thức cho xây dựng công trình này.
Sau gần 1 năm, ngọn hải đăng hoàn thành và ngay lập tức nó được đưa vào hoạt trong suốt 55 năm đến khi Thế chiến thứ 2 nổ ra thì bị tạm dừng vận hành.
Vào năm 1961, ngọn hải đăng được Chính quyền Việt Nam Cộng hòa khôi phục nhưng sau đó bị hủy bỏ hoàn toàn, đến năm 1995 mới được phục dựng và giữ nguyên hình dạng đến hiện tại.
Năm 2008, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Hải đăng Mũi Điện là Di tích Danh thắng cấp Quốc gia.
Mũi Đôi (Khánh Hòa) và mũi Điện (Phú Yên) đâu mới là cực Đông của tổ quốc?
Đã có thời, hải đăng Mũi Điện (Phú Yên) và Mũi Đôi (Khánh Hòa) là sự tranh cãi đâu mới thật sự là điểm cực Đông đúng nghĩa. Nhiều giả thuyết, lý giải đã được đề ra nhưng đến nay vẫn còn là một dấu hỏi lớn.
Cụ thể theo ông Phan Đình Phùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên: “Đã từ lâu, tại Mũi Điện tồn tại cột mốc do Tổng cục Địa chính – nay là Tổng cục Quản lý đất đai thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường xây lắp, với kết cấu bê tông xi măng, trên đó có khắc chìm những dòng chữ “Tổng cục Địa chính”, “Cực đông”, “Mốc tọa độ cơ sở biển”, “Nghiêm cấm phá hoại” và một số ký hiệu chuyên môn “1-99 CPS N-18”.
Đây là căn cứ để tỉnh Phú Yên xác định điểm cực Đông trên đất liền của Việt Nam tại Mũi Điện. Để làm rõ vấn đề này, có thể đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp xác định tính pháp lý của cột mốc đã được Tổng cục Quản lý đất đai xây lắp.
Mặt khác, các cơ quan chức trách có thể sử dụng những phương tiện thiết bị công nghệ để xác định vị trí tọa độ điểm cực Đông”. Lần đầu tiên vào ngày 1-1-2017, tỉnh Phú Yên đã tổ chức sự kiện lễ chào cờ đầu năm ở Mũi Điện – điểm đến cực Đông của Tổ quốc với sự tham dự của hơn 300 cán bộ – chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương”.
Đối lập với ý kiến này, trong chương trình giới thiệu về những địa danh du lịch của website của Tổng cục Du lịch Việt Nam thuộc Bộ Văn Hóa Thể Thao & Du Lịch thì nêu: “Mũi Đôi – Hòn Đầu nằm trên bán đảo Hòn Gốm của vịnh Vân Phong thuộc địa phận xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa…Mũi Đôi còn là điểm cực Đông và là nơi đón ánh bình minh sớm nhất của một ngày mới trên dải đất hình chữ S”.
Tiếp tục làm rõ, trong hồ sơ di tích quốc gia lưu trữ tại Cục Di sản văn hóa – Bộ Văn Hóa Thể Thao & Du Lịch đã ghi nhận Mũi Đôi thuộc di tích danh thắng Mũi Đôi – Hòn Đầu ở tỉnh Khánh Hòa, nằm tại tọa độ 109o27’55”kinh độ Đông.
Còn danh thắng Mũi Điện – Bãi Môn ở tỉnh Phú Yên, nằm tại tọa độ 109o27’06” kinh độ Đông. Đối chiếu thông số tọa độ nêu trên cho thấy, Mũi Đôi nằm cách xa hơn Mũi Điện về phía Đông, đương nhiên đó là điểm cực Đông trên đất liền ở Việt Nam.
Mặc dù còn nhiều tranh cãi và mãi đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Nhưng phải công nhận một điều rằng, hải đăng Mũi Điện là nơi hấp dẫn, phải đến chinh phục một lần trong đời.
Phương tiện di chuyển đến Phú Yên và hải đăng Mũi Điện
Thông thường một chuyến du lịch tại Phú Yên nhiều người sẽ chọn tàu hỏa là phương tiện di chuyển để đảm bảo sức khỏe và thời gian trong lịch trình dự kiến. Và một lời khuyên chân thành, nếu đi du lịch theo nhóm bạn, tập thể, hay gia đình thì tốt nhất là bạn nên chọn phương tiện tàu hỏa.
Xuất phát từ ga Sài Gòn – ga Tuy Hòa (Phú Yên)
- SE22 (khởi hành lúc 12:05 – đến nơi lúc 22:17)
- SE10 (khởi hành lúc 14:40 – đến nơi lúc 01:03)
- TN2 (khởi hành lúc 14:40 – đến nơi lúc 01:01)
- SE26 (khởi hành lúc 19:55 – đến nơi lúc 0:17)
- SQN4 (khởi hành lúc 19:55 – đến nơi lúc 06:18)
- SE2 (khởi hành lúc 21:55 – đến nơi lúc 06:51)
- SQN2 (khởi hành lúc 21:25 – đến nơi lúc 09:43)
Xuất phát từ ga Tuy Hòa (Phú Yên) – ga Sài Gòn
- SE1 (khởi hành lúc 20:29 – đến nơi lúc 05:45)
- SE5 (khởi hành lúc 8:55 – đến nơi lúc 18:38)
- SE7 (khởi hành lúc 06:18 – đến nơi lúc 16:10)
- SE9 (khởi hành lúc 15:40 – đến nơi lúc 02:47)
- TN1 (khởi hành lúc 16:28 – đến nơi lúc 02:50)
- SQN1 (khởi hành lúc 17:30 – đến nơi lúc 04:07)
- SQN3 (khởi hành lúc 19:04 – đến nơi lúc 07:01)
- SE21 (khởi hành lúc 18:04 – đến nơi lúc 05:50)
Giá vé tàu hỏa di chuyển từ ga Sài Gòn – ga Tuy Hòa (Phú Yên) có nhiều giá khác nhau, tùy theo ghế cứng, ghế mềm, giường nằm cứng, nằm mềm hay giường VIP. Thường giá vé một chiều giao động khoảng từ 400,000 vnđ – 600,000 vnđ/người, khứ hồi từ 600,000 vnđ – 900,000 vnđ/người. Mọi chi tiết tham khảo: vé tàu Sài Gòn – Tuy Hòa.
Xuất phát từ Tuy Hòa – Mũi Điện (mũi Đại Lãnh)
Hải đăng Mũi Điện (Mũi Đại Lãnh) cách trung tâm thành phố Tuy Hòa khoảng chừng 34km, mất hơn 30 phút để di chuyển. Do đó, bạn có thể chọn phương tiện xe máy hoặc xe ôtô để di chuyển.
Xe máy thì bạn có thể thuê ở trung tâm thành phố Tuy Hòa tại các địa chỉ sau:
- Dịch vụ thuê xe máy Tuy Hòa – Phú Yên, địa chỉ: 22 đường Trần Bình Trọng, phường 4, Tp Tuy Hòa. SĐT: 097 464 60 07.
- Dịch vụ thuê xe máy Phú Yên, địa chỉ: 337 đường Trần Hưng Đạo, phường 4, Tp Tuy Hòa. SĐT: 097 194 59 88.
- Cho thuê xe máy Cô Bé, địa chỉ: 264 đường Trường Chinh, phường 7, Tp Tuy Hòa. SĐT: 091 411 01 10.
- Dịch vụ thuê xe máy Liên Cường, địa chỉ: 22 đường Trần Bình Trọng, phường 4, Tp Tuy Hòa. SĐT: 0949 537 010 – 0946 956 881.
Điều kiện thuê xe máy ở Tuy Hòa – Phú Yên rất dễ, chỉ cần có chứng minh thư (CMND), bằng lái xe, liên hệ đến dịch vụ là xe giao tới tận nơi. Giá thuê xe dao động từ 100,000 vnđ/xe số (không bao gồm xăng) và từ 120,000 vnđ/xe ga (không bao gồm xăng).
Về cung đường di chuyển thì bạn có thể đi theo cung đường sau: Xuất phát từ trung tâm thành phố (đường Hùng Vương) đi thẳng, hết đường Hùng Vương (qua cầu Hùng Vương) đến vòng xoay Phú Đông => đi đường Phước Tân – Bãi Ngà => vào đường QL29 đi thẳng đến bảng chỉ dẫn đường lên Hải Đăng.
Nếu bạn từ Nha Trang đi Mũi Điện thì có thể đi xe đò Quy Nhơn (xe Thuận Thảo hoặc xe A Tỷ), xuống tại ngã ba Vũng Rô. Từ đây đi khoảng 12 km là tới chân hải đăng. Đi bộ khoảng 1.2 km nữa là lên tới Hải đăng Đại Lãnh.
Chinh phục hải đăng Mũi Điện (Mũi Đại Lãnh)
Hải đăng Mũi Điện có độ cao khoảng 110m so với mặt nước biển, bao gồm tháp Đèn – nơi có thể phát tín hiệu xa đến 27 hải lý, giúp thuyền bè qua lại khu vực này di chuyển thuận lợi.
Để chinh phục ngọn hải đăng này, bạn phải vượt qua một con đường bê tông từ chân núi lên đến đỉnh. Tổng quãng đường đi gần 1,3km với hơn ngàn bậc thang.
Sau khi vượt qua 1 cái cầu, đi được khoảng ⅔ đường sẽ gặp 1 cái biển chỉ 2 phía (đường lên hải đăng và đường xuống Cột mốc Mũi Điện). Tại bản chỉ dẫn này, tùy theo ý thích của mình mà bạn lên hải đăng trước hoặc xuống Mũi Điện trước.
Tuy nhiên bạn cần phải lưu ý một điều là ngọn hải đăng chỉ cho khách du lịch lên vào giờ hành chính, cụ thể: sáng từ 7h30 – 11h30 và chiều từ 13h00 – 17h00. Riêng đường đi xuống Mũi Điện là đường mòn, hai bên cây cối rậm rạp, hơi khó đi. Vì vậy mà có một lời khuyên cho bạn là nên lên ngọn hải đăng trước, sau đó xuống Mũi Điện.
Khám phá hải đăng Mũi Điện (Mũi Đại Lãnh)
Hải đăng Mũi Điện không có gì nhiều ngoài cảnh đẹp hùng vĩ của núi rừng và biển cả; một tấm làm bảng bằng đá hoa cương ghi dòng chữ “Mũi Điện (mũi Đại Lãnh) Phú Yên – Điểm cực đông – Nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền Việt Nam”; tháp đèn có độ cao 110m và cuộc sống của các cán bộ, chiến sĩ, bộ đội biên phòng. Do đó mà dù như thế nào bạn cũng phải khám phá hết những cái mà hải đăng Mũi Điện đang có này.
Bên cạnh hải đăng Mũi Diện, ngay dưới chân núi còn có bãi Môn – một bãi tắm xinh đẹp, là nơi rất lý tưởng để cắm trại, picnic, trải nghiệm biển khi đi du lịch bụi tại Phú Yên.
Thông tin dịch vụ tham quan tại hải đăng Mũi Điện
- Vé vào cổng: 20,000 vnđ/vé.
- Vé gửi xe máy: 5,000 vnđ/vé.
- Vé xe ô tô du lịch: 10,000 – 20,000 vnđ/vé.
- Nước mía: 10,000 vnđ/ly.
- Nước giải khát: 10,000 vnđ – 15,000 vnđ/chai/loan.
- Snack: 5,000 vnđ – 10,000 vnđ/bịch.
- Dịch vụ xe máy: 25,000 vnđ – 30,000 vnđ.
Một vài kinh nghiệm cần biết khi chinh phục Mũi Đại Lãnh
- Một chuyến Phượt hải đăng Mũi Đại Lãnh bạn nên kết hợp lịch trình tham quan các địa danh gần đó như: Đầm Ô Loan, vịnh Vũng Rô (con đường Hồ Chí Minh trên biển), đèo Cổ Mã, …
- Nước, khăn, nón, kính râm, … là những thứ không thể thiếu khi chinh phục hải đăng Mũi Điện.
- Mang theo máy ảnh, máy quay phim để ghi lại những bức ảnh đẹp nhất của Mũi Điện.
- Sử dụng trang phục nhẹ nhàng, dễ di chuyển.
- Tuyệt đối không đi giày, hài cao gót khó di chuyển.
- Đi với tốc độ vừa phải là, thở đều là cách giữ cho cơ thể không bị đuối sức.
- Lên đến hải đăng, cẩn thận với những chú chó. Vui thôi, đừng vui quá.
- Cần có sự cho phép của cán bộ trông coi hải đăng để được lên tháp đèn.