Hẳn những ai đã từng đến Đồng Tháp, đến nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, đã từng đọc tiểu thuyết L’mant và chút ít đã xem qua bộ phim “Người tình” nổi tiếng thế giới thì đều biết đến câu chuyện tình xuyên không gian của nữ văn sĩ người Pháp Marguerite Duras với ông Huỳnh Thủy Lê. Một câu chuyện, một cuộc tình nổi tiếng trước 1945 làm nức lòng bao người trong sự nuối tiếc và ngưỡng mộ.
Trải qua 70 năm, trở từ ngày ấy. Câu chuyện tình này vẫn đọng lại trong suy nghĩ của nhiều người khi vô tình được nghe hoặc ai nhắc đến. Để rồi khi người ta có dịp về miền Tây, đến Đồng Tháp và dừng chân lại thành phố Sa Đéc thì nhất định phải ghé thăm nhà cổ Huỳnh Thủy Lê một lần.
Nội dung bài viết
Lịch sử hình thành và kiến trúc nhà cổ Huỳnh Thủy Lê
Ngôi nhà hiện nằm trên đường Nguyễn Huệ, số 255A, ngay bên bờ sông Tiên thơ mộng. Hàng ngày, khách từ các nơi tìm đến đây khá nhiều để tham quan, chụp ảnh và nghe thuyết minh viên nói về lịch sử căn nhà, đặc biệt là câu chuyện tình của nữ văn sĩ người Pháp Marguerite Duras và ông Huỳnh Thủy Lê.
Được biết, ngôi nhà do ông Huỳnh Cẩm Thuận, một người gốc Hoa giàu có xây dựng vào năm 1895 theo kiểu cách Trung Hoa pha trộn đường nét trang trí kiểu Tây. Nguyên liệu dụng để xây dựng ngôi nhà là bê gỗ quý, có giá trị cao.
Năm 1917, ông Huỳnh Cẩm Thuận cho trùng tu lại ngôi nhà theo kiểu dáng biệt thự Pháp với phòng cách Đông – Tây kết hợp. Cụ thể, nền nhà ông cho xây cao, lát gạch bông. Tường xây bằng gạch đặc rất dày từ 30 – 40cm bao lấy kết cấu khung gỗ làm tăng khả năng chịu lực. Mái nhà lợp ngói âm dương, hai bên đầu hồi cong vút thành hình chiếc thuyền tượng trưng cho miền sông nước Tây Nam Bộ.
Theo phong cách mới này, ngôi nhà được xây theo ba gian với nhiều trang trí bên trong theo kiểu cách Trung Hoa truyền thống.
Cụ thể, mặt tiền nhà, trần nhà, khung cửa sổ,… được trang trí bằng các phù điêu kiểu thời Phục Hưng. Vòm cửa cong theo kiến trúc La Mã. Xen lẫn trong những vòm cửa, trần nhà và khung cửa sổ là những đường nét chạm khắc rất sắc sảo theo phong cách Phương Đông như hình chim muông, cây trái và các loại hoa như: trúc, mai, cúc, đào…
Tuy diện tích ngôi nhà không lớn, nhưng vẫn chia làm ba gian theo truyền thống của người Hoa. Trong đó, phần ngoài thờ tự và tiếp khách, phần sau có hai phòng ngủ hai bên tạo một hành lang rộng dẫn xuống nhà dưới. Bên trong nhà, một vài vật liệu nội thất như gạch bông, kính màu được nhập từ Pháp, trần la phông gian giữa trang trí rồng, dơi… tất cả đều được xây dựng và tạo khắc rất tinh xảo.
Đáng chú ý hơn cả trong ba gian này chính là gian giữ thờ Quan Công – một tín ngưỡng truyền thống thể hiện sức mạnh và sự phồn thịnh trong cuộc sống của gia chủ.
Tại gian giữa này, nhiều bàn, tủ đựng các vật dụng, … các bao lam, thành vọng được làm bằng gỗ quý được chạm khắc cầu kỳ nhằm thể hiện sự quyền quý của một gia đình giàu có ngày ấy. Đáng nói là có nhiều vật dụng có giá trị vẫn còn nguyên vẹn và giữ kĩ cho đến ngày nay.
Qua thời của ông Huỳnh Cẩm Thuận, ngôi nhà được ông Huỳnh Thủy Lê thừa kế. Rồi ông Huỳnh Thủy Lê cũng mất, các con của ông đều định cư ở nước ngoài, không ai tiếp quản ngôi nhà. Thế là ngôi nhà được Nhà nước trưng dụng, làm trụ sở Đội Cảnh sát kinh tế Công an thị xã Sa Đéc.
Năm 2007, Uỷ ban tỉnh Đồng Tháp đã chính thức đưa ngôi nhà thành điểm tham quan để phục vụ khách du lịch. Đến năm 2009, ngôi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê chính thức được Bộ Văn Hóa – Thể Thao & Du Lịch công nhận là di tích cấp quốc gia.
Tiểu thuyết L’mant và sự ra đời của bộ phim “Người tình”
“Anh vẫn còn yêu em như thuở nào” là câu mà ông Huỳnh Thủy Lê đã nói với bà Marguerite Duras trong cuộc trò chuyện sau 40 năm xa cách. Mặc dù lúc này, cả hai đã có gia đình, của sống của ông Huỳnh Thủy Lê và bà Marguerite Duras đã có những niềm vui, niềm hạnh phúc nhất định. Nhưng đâu đó trong suy nghĩ, trong ký ức của cả hai, vẫn còn sự thương nhớ, tiếc nuối cho một cuộc tình đã qua.
Chua xót cho cuộc tình gặp nhiều rào cản
Huỳnh Thủy Lê là con trai của điền chủ Huỳnh Cẩm Thuận, một người gốc Hoa giàu có nhất vùng Sa Đéc thời ấy. Khác với những đại điền chủ khác, ông Huỳnh Cẩm Thuận sống lương thiện và hay giúp đỡ người nghèo.
Dòng họ Huỳnh rất có thế lực nên nhiều người đã xin đổi sang họ Huỳnh để dễ làm ăn và được ông Huỳnh Cẩm Thuận chấp thuận, giúp đỡ mà không cần truy xét.
Ông Thuận có con trai út là Huỳnh Thủy Lê, dù sinh ra trong nhà giàu có nhưng Thủy Lê không hóng hách, ăn chơi, đua đòi mà ngược lại luôn xao nhãng chuyện học hành và làm ăn. Đáng nói hơn, Huỳnh Thủy Lê là người hào hoa, phong nhã, luôn là điểm nhìn của các cô gái thời ấy.
Không biết có phải duyên số sắp đặt hay không, bao cô gái Việt miền sông nước thùy mị, đoan trang lại không hề khiến Huỳnh Thủy Lê rung động. Mà trớ trêu thay ông phải lòng cô gái phương Tây da trắng vừa bước qua tuổi 15 từ lần gặp mặt đầu tiên còn nhiều bỡ ngỡ pha chút ngại ngùng.
Cô gái ấy không ai khác chính là nữ nhà văn Marguerite Duras (tên thật là Marguerite Donnadieu) thuở thiếu thời. Marguerite Duras sinh năm 1914 tại Gia Định, Đông Dương (TP. Hồ Chí Minh ngày nay), trong một gia đình học thức cao khi cha là một giáo sư toán, mẹ là giáo viên tiểu học.
Mẹ bà là hiệu trưởng trường École de jeunes filles, tức trường Trưng Vương ngày nay ở thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Gia đình bà không sung túc lắm nếu không muốn nói là có phần túng thiếu và đó cũng là một trong những lí do khiến cho chuyện tình không môn đăng hộ đối giữa bà và Huỳnh Thủy Lê tan vỡ.
Năm Marguerite Duras vừa tròn 15 tuổi, gia đình bà dọn đến sinh sống tại Sa Đéc. Và trên chuyến phà Vĩnh Long – Sa Đéc, định mệnh đã cho Huỳnh Thủy Lê gặp Marguerite Duras. Chỉ một nụ cười duyên, một ánh mắt ngây ngô đã làm cho tim Huỳnh Thủy Lê rúng động. Và cũng từ giây phút ấy, trong suy nghĩ của hai người xa lạ, không quen biết đã có hình ảnh về nhau.
Nhưng thiên duyên nào có phải do số phận định. Mối tình lãng mạn và nồng cháy của nữ nhà văn với chàng công tử con nhà giàu đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của hai gia đình do quan niệm của phong kiến và sự cách biệt lớn lao về vật chất.
Cha Huỳnh Thủy Lê, ngoài là một người Hoa thuần túy, ông từng là một điền chủ có tiền có thế, ông không thể chấp nhận một cô con dâu ngoại quốc nghèo nàn. Trong khi đó, mẹ nàng thì cho rằng một gia đình thuộc về mẫu quốc không thể có chút dính líu gì với người thuộc địa chứ đừng nghĩ đến chuyện kết thân.
Mặt khác, lúc này, Huỳnh gia đang lâm vào cảnh nợ nần, làm ăn thua lỗ, chỉ có cuộc hôn nhân của cậu con trai Huỳnh Thủy Lê với người đẹp xứ Tiền Giang Nguyễn Thị Mỹ con gái của một người giàu có tiếng miền Tây mới có thể vực dậy gia thế Huỳnh gia.
Đó cũng là cô vợ mà cha ông đã âm thầm sắp đặt từ 10 năm trước mà anh không hề hay biết. Cuối cùng sau những lần kháng cự trong tuyệt vọng, Huỳnh Thủy Lê đành chấp nhận cuộc hôn nhân không tình cảm để cứu gia đình khỏi cảnh tán gia bại sản.
Nhưng đằng sau nguyên nhân hiển nhiên ấy, Huỳnh Thủy Lê còn có nỗi khổ khác. Cũng một phần vì gia đình Marguerite Duras, đặc biệt là mẹ bà không mấy thiện cảm với anh chàng công tử giàu sang, khiến anh nhận thấy mình khó có thể có một mái ấm bền lâu.
“Người tình” – anh vẫn còn yêu em như thuở nào
Sau hơn một năm yêu nhau, Huỳnh Thủy Lê đành ngậm lòng quên đi người tình mà mình yêu rất sâu đậm để nên duyên cùng cô vợ Nguyễn Thị Mỹ. Riêng nữ nhà văn Duras ngậm ngùi, lặng lẽ lên tàu về Pháp cùng gia đình khi tuổi tròn 18 tuổi.
Ngày ra đi, Marguerite Duras kìm dòng nước mắt, cố nấn ná ở bến tàu để khắc khoải được gặp người tình lần cuối. Dẫu biết là vô vọng, nhưng nữ văn sĩ vẫn chờ, vẫn chờ và vẫn chờ. Tiếng còi tàu kêu inh ỏi, từng phút, từng phút đưa tầm mắt nữ văn sĩ rời khỏi bến tàu.
Huỳnh Thủy Lê ở lại, sống một cuộc sống hạnh phúc với người vợ mà gia đình đã sắp đặt. Năm tháng dần qua đi, 5 người con lần lượt ra đời và sống trong cảnh giàu sang, êm ấm. Nhưng với Huỳnh Thủy Lê, không lúc nào ông nguôi ngoai nỗi nhớ người tình dù đã nhiều năm xa cách.
Hơn 40 năm xa cách, kể từ ngày ấy. Huỳnh Thủy Lê vẫn dò tìm tung tích của Marguerite Duras, và ông trời đã không phủ, ông đã tìm được số điện thoại của bà Marguerite Duras khi bà sinh sống bên Pháp.
Du 40 năm không gặp, nhưng chỉ cuộc gọi đầu tiên, Marguerite Duras đã nhận ra tiếng của ông Huỳnh Thủy Lê. Hai người trò chuyện rất lâu, nói rất nhiều điều, nhưng trước khi cúp máy, ông Huỳnh Thủy Lê đã nói một câu khiến Marguerite Duras rơi nước mắt và cười trong sự hạnh phúc: “Anh vẫn còn yêu em như thuở nào”.
Câu chuyện tình buồn này, về sau đã được Marguerite Duras viết thành tiểu thuyết “Người tình” (tiếng pháp là L’Amant) để ghi nhớ cuộc tình buồn không bao giờ quên của mình. Năm 1984, cuốn tiểu thuyết được xuất bản, gây tiếng vang lớn, được dịch ra 43 thứ tiếng trên thế giới và đoạt được giải thưởng Goncourt (giải thưởng văn học danh giá nhất của Pháp).
Năm 1986, cuốn tiểu thuyết đã được đạo diễn Jean-Jacques Annaud dựng thành phim cùng tên. Đến năm 1992 thì phim được khởi chiếu và nhận được nhiều sự tán thưởng của thế giới. Đây cũng là hai trong những minh chứng cho tình cảm nồng nàn của hai con người đến với nhau bằng tình yêu trong sáng, mãnh liệt.
Thông tin tham quan nhà cổ Huỳnh Thủy Lê: Địa chỉ, giờ mở cửa, giá vé
- Địa chỉ: 255A Đường Nguyễn Huệ, Phường 4, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp.
- Thời gian: 7h00 – 17h30 hàng ngày.
- Giá vé: 20.000 đồng – 30.000 đồng (bao gồm một hướng dẫn viên nói tiếng Anh, tiếng Pháp hoặc Việt Nam; nước trà và mứt gừng).
- Lưu trú: Có hai phòng cho hai người/phòng, giá: 500.000 đồng/1 người/ 1 phòng, 550.000 đồng / 2 người / 1 phòng (Không bao gồm các dịch vụ khác).
- Điện thoại: 0277 3773 937.