Tháp Po Klong Garai (hay còn gọi là đền tháp Bửu Sơn) là tên gọi chung của một cụm tháp gồm ba đền tháp: tháp chính (kalan po) cao 20,5m; tháp cổng (Kalan Pabah mbang) cao khoảng 8,56m; tháp lửa (sang cuh yang apuer). Hiện tại, đền tháp đang tọa lạc trên đồi Trầu của phường 8 thuộc phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm tỉnh Ninh Thuận, cách trung tâm thành phố khoảng chừng 7km về hướng Tây Bắc.
….
Nội dung bài viết
Vua Po Klong Garai và những truyền thuyết lưu mãi ngàn đời
Theo ghi chép thì đây là đền tháp được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XII đầu thế kỷ XIII bởi vua Shihavaman (người Việt gọi là Chế Mân) để thờ vị vua Champa Po Klaong Garai (Jaya Simhavarman) – người có nhiều công lao trong thời trị vị Champa – vùng Panduranga. Tuy nhiên, khi tìm hiểu qua các truyền thuyết về vua Po Klaong Garai được lưu truyền trong dân gian Chăm thì nhiều người cho rằng, đền tháp là do chính tay vua Po Klong Garai xây trong cuộc chiến so tài với vị đại thần Po Dam – người khinh chê tài cán của của vua Po Klaong Gari.
Có thể không biết thực hư điều này như thế nào, nhưng trong số những vị vua nổi tiếng của dân tộc Chăm được nhiều người biết đến như vua Po Klaong Garai, Jaya Sinhavarman III (vua Chế Mân), Po Bin Thwơr (vua Chế Bồng Nga), vua Pa Ra Chanh, hay Ja Ka Thaut (vua Po Rome), … thì có lẽ vua Po Klaong Garai là người được dân gian lưu truyền nhiều truyền thuyết nhất.
Mặc dù trong sử sách ghi chép về các vị vua chúa Champa, vua Po Klong Garai là người chưa được xác định rõ nguồn gốc, sống vào thời nào và trị vị Champa vào thế kỷ nào. Tuy nhiên, vì được dâng chúng biết ơn, sùng kính trước những công lao to lớn, Vua Po Klong Garai được xem như một huyền thoại bất diệt của người Chăm sinh sống trên các tỉnh thành Việt Nam nói chung và tại cộng đồng người Chăm tại Ninh Thuận nói riêng.
Để minh chứng cho điều này, trong chuyến lang thang khám phá Ninh Thuận, tôi đã được nghe kẻ nhiều truyền thuyết thú vị từ các vị chức sắc Bàlamôn, các cụ lớn tuổi tại làng gốm Bàu Trúc, dệt Mỹ Nghiệp, dệt Chung Mỹ và các cô thuyết minh viên tại điểm đang làm việc tại di tích quốc gia đặc biệt đền tháp Po Klaong Garai. Cụ thể, …
Truyền thuyết cậu bé bán trầu, mình đầy ghẻ lở cưỡi Bạch Tượng (voi trắng)
Chuyện kể, ngày xưa ở Plei Chakling (làng Chăm Mỹ Nghiệp – huyện Ninh Phước ngày nay) có hai vợ chồng Ong Paxa và Muk Chakling, sinh sống với nhau nhiều năm mà vẫn chưa có con.
Một hôm, ông bà đi qua bến dâu ở phía trên đập nước Nha Trinh thì nhìn thấy một cái bọc trôi lềnh bềnh giữa sông. Thấy kỳ lạ, ông bà vớt cái bọc lên, mở ra thì thấy trong đó là một bé gái rất xinh xắn. Bất ngờ, không biết con của ai mà sao để trôi theo bọt nước, ông bà thâm nghĩ trong bụng phải chăng đây là con mà trời ban cho ông bà. Hai vợ chồng nhìn qua, hỏi lại nhưng không biết làm sao. Bé gái trong bọc không khóc mà lại nở nụ cười thương mến làm ông thấy vui lắm, mừng lắm. Để rồi khi suy nghĩ giây lát, hai ông bà quyết đem đứa bé về nhà nuôi rồi đặt tên cho bé là Karit.
Thời gian thấm thoát trôi qua, bé gái thuở xưa được ông bà nhặt trên đập nước Nha Trinh giờ đây đã trưởng thành, khôn lớn lại còn rất xinh đẹp làm bao chàng trai trong lang xao xuyến và muốn được nàng để ý, chọn làm chồng.
Một ngày nọ, Karit cùng cha vào rừng đốn củi như bao ngày. Hôm ấy khí trời nắng như đổ lửa, hai cha con mới đốn củi được một lát mà mồ hôi đã toát ra đẫm người. Nước dự trữ hàng ngày đem theo thường lệ là đủ, nay do khí trời nóng nực nên hai cha con uống nhiều hơn mọi ngày. Nhưng kỳ lạ, nước càng uống thì càng khát, buộc ông Paxa phải đi tìm con suối gần đó để lấy nước.
Karit lúc này cũng đi tìm, nhưng tìm mãi, tìm mãi mà không thấy khe suối hay dòng nước nào. Đang lúc hoang mang thì Karit bỗng thấy một tảng đá có một hủng nước trong, mát rượi. Karit vội chạy đến và uống. Điều lạ là càng uống thì nước càng tuôn ra, nhưng khi karik kêu cha chạy lại thì nước bỗng rút khô cạn. Cho là điều lạ nên hai cha con liên quay về nhà.
Từ hôm đó, Karit thụ thai. Tới tháng, tới ngày, cô sinh được một bé trai mình đầy ghẻ lở, trông hết sức kinh tởm. Tuy vậy, ông bà già rất quý đứa cháu, nuôi nấng cẩn thận và đặt tên cho cháu là Po Ong (có truyền thuyết kể là Jatol). Riêng về Karit, nàng chưa chồng mà đã có con, vì không chịu được lời ra tiếng vào của bà con xóm làng. Lại vì thương cha, thương mẹ và con không tội tình mà bị thiên hạ sỉ vả. Cho nên Karit đã âm thầm bỏ đi, để lại Po Ong (Jatol) cho ông bà nuôi.
Ngày tháng hững hờ trôi qua, chẳng mấy chốc Po Ong đã lớn. Lên chín tuổi, Po Ong đi chăn bò thuê của một nhà giàu có trong làng. Ngày nào cũng như ngày nào, đàn bò mà Po Ong chăn cũng đều ăn no, mập ú nên ông chủ rất thích và thầm khen ngợi: “Cái thằng tuy xấu xí mà có tài chăn bò tốt”. Một hôm, vì mải chơi cùng bọn trẻ mục đồng bên làng khác, Po Ong để lạc mất một con bò đực.
Phát hiện ra, Po Ong chạy tìm kiếm khắp nơi mà không thấy con bò đâu. Bình tĩnh, Po Ong leo lên cây cao quan sát thì thấy con bò của mình đang trong vườn của ngôi nhà to lớn. Mừng quá, Po Ong leo xuống làm cái cây rung chuyển mạnh. Lạ là cây đó bỗng trở nên đỏ chói và biến thành một con rồng. Con rồng đứng yên và nhìn Po Ong một cách kính cẩn.
Po Ong nhờ một người lớn dẫn mình đến xin lại con bò. Không ngờ, chủ của ngôi nhà to lớn ấy lại là một vị thầy cả có một cô con gái xinh đẹp. Thấy Po Ong dáng hình xấu xí, cô gái vội thưa với cha hãy trả bò cho anh ta để mau biến khỏi nhà mình. Ngược lại với cô con gái, vị thầy cả thấy trên mình Po Ong nhiều tướng lạ, trong bụng mừng thầm gì đó, tỏ vẻ mến chiều rồi bỗng nói với Po Ong: “Ta sẽ trả bò cho câu và hứa sẽ gả con gái cho cậu nữa, cậu có đồng ý không?”. Po Ong nhíu mày không hiểu lắm, nhưng vì được nhận lại bò nên mừng rỡ, gục đầu liên tục mà không nói một lời.
Trả bò xong cho Po Ong, vị thầy cả nói kể chuyện lại với con gái. Cô con gái nghe xong thì tức giận lắm, nhưng khi được cha nói, đứa bé này sau sẽ là một quân vương tài ba, ban phúc cho dân, ta đã nhìn được tướng số của hai đứa rồi. Cô gái nghe qua, tuy còn giận nhưng trên khuôn mặt đã thể hiện nét vui sướng.
Thời gian sau, Po Ong không chăn bò nữa. Chàng kết bạn với một người trong làng là Po Klong Chanh. Po Klong Chanh cũng là chàng trai nghèo, nhưng tướng hình tuấn tú, lại có tài ăn nói rất hay. Do vậy mà khi gặp Po Ong, po Klong Chanh đã rũ Po Ong đi buôn trầu, một công việc tiền không nhiều nhưng đầy lắm niềm vui.
Công việc hằng ngày vẫn diễn ra như thế, tuy nhiên vào một hôm trên đường về, Po Ong thấy mệt nên nghỉ ở tảng đá bên đường. Po Klong Chanh thấy vậy nên chạy về trước nấu cơm rồi đem ra cho bạn. Khi trở lại Po Klong Chanh hoảng hốt khi thấy thấy có hai con Bạch Long (rồng trắng) đang vấn quanh và liếm mình Po Ong. Po Klong Chanh hốt hoảng chạy lên, hai con Bạch Long thấy thế thì biến mất. Đúng lúc, Po Ong tỉnh dậy thì bỗng chốc trở thành một chàng trai khôi ngô, tuấn tú khác thường.
Thấy Po Klong Chanh đứng một chỗ nhìn mình đầy hiếu kỳ, Po Ong hỏi Po Plong Chanh đủ điều. Po Klong Chanh thuật lại câu chuyện. Po Ong lắng nghe nhưng thấy lời Po Klong Chanh kỳ lạ lắm. Thấy Po Ong cũng đã đói, Po Klong Chanh đưa gói cơm cho Po Ong. Po Ong đỡ lấy gói cơm, Po Klong Chanh cầm tàu lá chuối, dùng dao rạch làm hai nửa bằng nhau, một nữa cho ban, nữa cho mình để trải cơm lên ăn. Vì bị rạch đôi mà ngay nay lá chuối có hai nữa bằng nhau và giống nhau, con chỗ Po Ong rạch đôi là cái sống của lá chuối.
Sau sự việc ấy, cả hai trở về nhà. Lúc chiều tà bên bóng cây mát, Po Ong ngồi ngẫm lời Po Klong Chanh nói thì bỗng nhớ lại lời nói của vị thầy cả trả bò cho mình năm xưa. Như linh tính mách bảo, chàng tìm đến kết thân rồi cùng cô con gái thầy cả nên duyên vợ chồng.
Năm 1167, vua Xulika bằng hà, anh em trong hoàng tộc chia bè, kết phái đấu đá nhau tranh giành vương quyền. Trong lúc rối ren không biết làm sao, bỗng con Bạch Tượng (voi trắng) của nhà vua Xulika phá chuồng chạy tán loạn trong cung rồi nó đạp cửa thành chạy đến nơi Po Ong đang sinh sống. Quân lính đuổi theo bắt lại, tiếng ngưa hí, tiếng kêu la ầm vang nhưng dù ngựa có chạy nhanh cách mấy cũng không lại con voi trắng của nhà vua.
Vào làng Po Ong đang sinh sống, con voi trắng không quậy phá, người dân thì trầm trồ hốt hoảng, hiếu kỳ. Như thiên mệnh đã sắp đặt sẵn mọi thứ, con voi trắng không biết ai chỉ dẫn mà nó chạy thẳng đến nhà Po Ong. Vừa lúc Po Ong chuẩn bị sang rủ Po Klong Chanh đi buôn trầu thì bị con voi trắng chắn ngang, đứng ngay trước mặt. Po Ong đứng như trời trồng, còn con voi trắng nhìn Po Ong như đang xác định lại đã tìm đúng người hay chưa.
Sau hồi nhìn nhau, con voi trắng dùng vòi sờ vào Po Ong rồi ngoan ngoãn vì xuống như ngỏ lời mời leo lên lưng. Tưởng con voi trắng cần mình là gì, Po Ong nhảy lên mình rồi chạy thẳng một mạch về kinh thành.
Trên đường về, dâng làng túa ra dơ tay hò reo, vui mừng chạy theo thành một đoàn dài làm Po Ong không biết chuyện gì đang xảy ra. Về đến kinh thành, con voi trắng bỗng rống lên ba hồi lớn, trên mình tỏa ra một ánh hào quang kỳ lạ, nét mặt của Po Ong từ hốt hoảng, sợ hãi bổng uy nghi, lẫm liệt như một vị tướng của thiên đình cử xuống. Quần chúng và triều thần thấy thế, liền quỳ xuống hành lễ. Từ đó, Po Ong được tôn lên làm vua, xưng hiệu là Po Klong Garai, đóng đô ở Bal Hagâu.
…
Chuyện so tài giữa Po KLong Garai – đại thần Po Đam và người Khmer
Po Klong Garai là một vị minh quân, ngài không chỉ có tài mưu lược quân sự, xây tháp, trị nước tài bà mà con có tài dẫn thủy nhập điền. Truyền rằng, khi được tôn lên làm vua, có một vị đại thần tên là Po Dam không phục vì cho rằng vua là một kẻ chăn bò vô tài.
Để thuyết phục và đánh bại kẻ dèm pha mình, Po Klong Garai quyết định thi tài xây tháp với Po Dam. Ngài đã đốc thúc chỉ đạo quân chúng xây một đền tháp đồ sộ và hoàn thành trước Po Dam, làm cho Po Dam cúi đầu nể phục.
Cũng trong thời gian này, quân Khmer thường xuyên đánh phá, quấy nhiễu vùng Panduranggga nên đích thân vua Po Klong Garai phải mang quân vào Panduranga dẹp loạn. Chỉ trong vòng vài tháng, với tài thao lược và mưu sự của mình, vua Po Klong Garai đã nhiều lần làm cho quân Khmer khiếp sợ. Cuộc chiến chưa đi vào hồi kết nhưng binh sĩ đã tổn thất quá nhiều.
Trong lúc bàn chuyện quân cơ, được biết người Khmer rất giỏi xây đền tháp nên Vua Po Klaong Garai liền đưa ra kế sách thách thức quân Khmer rằng, nếu người Khmer thắng thì ngài sẽ nhường đất, còn thua thì phải rút quân về. Người Khmer nghe vậy thì hách làm bởi vị họ được xem là bậc thầy trong việc xây dựng.
Cuộc so tài diễn ra, người Khmer thì chọn khu vực đồng bằng để xây tháp, còn vua Po Klaong Garai thì chọn trên đỉnh núi. Ỷ vào quân đông, người Khmer dồn hết lực lượng xây dựng một đền tháp nguy nga. Ngược lại, vua Po Klong Garai ra lệnh cho dân lấy tre làm khung, lấy giấy phết làm gạch.
Thời hạn gần đến ngày kết thúc mà quân Khmer đã xây xong một đền tháp đồ sộ mà bên vua Po Klong vẫn chưa thấy gì. Nhưng chỉ sau một đêm, người Khmer phải ta hỏa khi thấy một đền tháp sừng sững, to lớn ngự trên đỉnh núi. Người Khmer đành thua và rút quân về. Từ đó vùng Pandurangga được bình yên, ổn định trở lại.
Trong thời gian ở xứ Panduranga, vua Po Klong Garai đã chấn chỉnh binh ngũ, chỉ cho dân tại đây nhiều ngành nghề để phát triển kinh tế và đặc biệt là cho xây dựng nhiều công trình thủy lợi để phục vụ cho nông nghiệp. Trong đó, hệ thống đê đập thủy lợi sơ khai như: Đập Nha Trinh (Chakling, vùng Nha Hố, huyện Ninh Sơn), đập Sông Cấm ở phía Tây Phan Rang dẫn thủy nhập điền bằng mương Cái và mương Đực, giúp đời sống hưng thịnh, nông nghiệp phát triển, mùa màng bội thu.
Chế độ mẫu hệ Chăm bắt đầu từ chuyện đào mương dẫn thủy nhập điền
Riêng đập Sông Cấm thì gắn liền với câu chuyện vua Po Klaong Garai sai quân lính đóng một chiếc bè bằng thân cây chuối, đặt một ít đất lên đó, rồi đem chiếc bè thả trên sông Dinh. Khi chiếc bè đến địa điểm có trên là Nha Trinh (nơi khi xưa mẹ vua trôi trên bọt nước), ngài bên hô: “Dừng lại”. Lập tức, chiếc bè chìm xuống và biến thành con đập lớn chắn ngang con sông, rồi ngài chỉ dẫn cho dân làm hai con mương dẫn nước vào ruộng.
Trong câu chuyện đào mương nay, lại có thêm một câu chuyện liên quan về việc người Chăm theo chế độ mẫu hệ. Chuyện là lúc đào mương dẫn nước về làm ruộng, vua Po Klong Garai lệnh Nam thì đào mương trái (bên tả), còn Nữ thì đào mương bên phải (bên hữu). Nếu bên nào đào nhanh hơn thì bên đó sẽ quyết định chế độ mẫu hệ hay phụ hệ trong xã hội.
Bên Nam cậy sức to khỏe, nên không chuyên tâm, lại còn hay lén xang chọc ghẹo bên Nữ. Bên Nữ thấy vậy, liền lập kế dụ bên Nam qua giúp đỡ vì lý do phận Nữ chân yếu, tay mềm, và hay còn hát hò, ca múa cho bên Nam xem nên việc đào mương bên nữ rất phấn khởi.
Ngày này qua ngày nọ, bên Nam qua bên Nữ đào mương mà không thèm ngó gì mương bên mình. Thời gian ngắn thì con mương bên nữ hoàn thành, mương bên Nam thì còn dang dở, thế là bên Nữ thắng và từ đó trở đi, người Chăm phải theo chế độ mẫu hệ. Thua nữ đã đánh, vì mê chọc ghẹo gái không lo đào mương, nên mương bên Nam bây giờ bỏ không và không thể nào dẫn nước vào ruộng được.
Sau khi lo cho dân chúng được ấm no, vua Po Klong Garai hóa thân về trời và trở thành một vị thần che chở cho thần dân và đất nước Chăm. Nhớ ơn ngài, dân chúng tạc tượng và đem thờ vào một ngôi tháp mà ngài đã dựng trong cuộc thi tài với Po Dam để thờ phụng. Từ đó đền tháp có tên là Po Klong Garai (Po KLaung Garai).
…
Tháp Po Klong Garai với phong cách kiến trúc muộn đẹp nhất Việt Nam
Dựa theo những truyền thuyết trên thì có lẽ ngôi tháp là do chính vua Po Klaong Garai xây dựng nên, nhưng vì là truyền thuyết thì không thể tin theo hoàn toàn, trong khi đó sử liệu Chăm ghi lại đây là đền tháp do vua Shihavaman (người Việt gọi là Chế Mân) xây dựng lên để tôn thờ vua Po Klong Garai. Tuy nhiên, dù như thế nào thì khi nói về đền tháp này không thể phủ nhận một điều là đây chính là đền tháp có phong cách kiến trúc nghệ thuật muộn đẹp nhất Việt Nam.
Cụ thể, toàn bộ kiến trúc tháp được nằm trên đồi Trầu (cek hala) và xung quanh đồi này là vùng đất rộng có diện tích khoảng 10 hecta. Trong đó, ngôi tháp chính (Kalanpo) được xây dựng với nhiều tầng. Tầng trên là sự lập lại tầng dưới thu nhỏ, cho đến đỉnh là một trụ đá nhọn, biểu tượng là một Linga. Ở các góc tháp lên dần đều là các ụ vuông nhỏ, các góc có gắn tượng thú bằng đá và các hình ngọn lửa bằng gạch nung. Hiện diện trên các mặt tháp có nhiều tượng thờ như tượng Po Klong Garai, tượng thần Siva và các vị hộ pháp.
Theo hướng từ con đường chính từ dưới chân tháp đi lên qua ngôi tháp cổng. Ngôi tháp chính gồm một cửa chính ra vào quay về hướng Đông, trên cửa là mái vòm có 2 trụ đá lớn khắc chữ Chăm cổ. Bên trên cửa có phù điêu thần Siva có 6 tay đang uyển chuyển với những điệu múa thần bí. Ba cửa còn lại theo ba hướng Nam, Bắc, Tây là cửa giả có trụ ốp gạch lồi, lõm vào trong. Trên mỗi cửa giả có một tượng thần tư thế thiền.
Bên trong ngôi tháp chính theo hướng nhìn thẳng vào bên trái là tượng bò thần Nandin bằng đá, đầu hướng vào trong tháp. Tiếp tục đi thẳng vào trong chính giữa tháp là tượng thờ bán thân vua Po Klaong Garai. Bên dưới tượng bán thân vua Po Klong Garai là một Yoni cạnh dài 1m47, cạnh ngang 0m94, trên Yoni là một Linga tròn, phía trên trụ là Linga.Ngoài ra, ở phía sau tháp còn có một ngôi miếu nhỏ thờ một phiến đá.
Phía trước tháp còn có nhiều bia đá, Linga ghi lại nhiều cuộc dâng cúng, sự kiện lịch sử cũng như tiến trình đấu tranh của người Chăm vùng Panduranga. Xung quanh tháp được bao quanh bằng một vòng thành và mở hướng ra vào cho tín đồ dâng cúng ở phía nam.
Nhìn chung, đền tháp chính trong cụm tháp Po Klong Garai là nơi thể hiện đầy đủ nghệ thuật thẩm mỹ theo phong cách muộn thời kỳ ấy.
Phía Nam giữa hai tháp trên là tháp thờ Thần Lửa, cao 9m31. Tháp có 3 cửa thông nhau 3 hướng Đông, Bắc và Nam, riêng phía Nam là cửa sổ. Chức năng tháp để các tu sĩ Bàlamôn, các thầy cúng bày các vật tế lễ và giữ ngọn lửa tế nên người Chăm gọi là Tháp Lửa. Điều đặc biệt là cấu trúc tháp xây mái theo kiểu hình mái nhà (hình giống mái nhà rông ở Tây Nguyên hoặc mái nhà hình thuyền như mặt trên trống đồng).
Ở phía sau tháp chính có 1 miếu thờ tượng Kút hoàng hậu, trong sử ghi tên là Tố Lý. Ở ngoài vòng thành phía Nam quần thể tháp có 1 trụ đá (Linga) cao 2m20. Cũng nằm ngoài vòng thành phía Đông Bắc quần thể tháp có 1 tảng đá bánh ú 3 mặt có chữ có khắc chữ Chăm cổ.Bên cạnh những công trình đền tháp nguyên thủy này, khi xây dựng nhà trưng bày, sân khấu, tường thành bào quanh … ở chân đồi tháp ở phía đông người ta đã xâ thêm ngôi tháp cổng nhằm thay thế cho ngôi cổng cũ đã không còn đi lên được.
Cổng tháp mới có hình lá nhĩ phình ra to tướng đứng trên hai cột chịu lực không cân xứng. Xét về mặt khoa học, phong thủy thì công trình này không hòa hợp với ba đền tháp nguyên thủy. Tuy nhiên, xét về mặt bảo vệ di tích thì nó đóng vai trò tương đối quan trọng để phục vụ cho khách du lịch.
Theo xây dựng theo mô phỏng ngọn núi Meru trong truyền thuyết của Ấn Độ gắn với tục thờ thần Siva và các vị vua thần Chăm. Từ xa, nhìn toàn cảnh kiến trúc cụm đền tháp Po Klaong Garai là bức tranh thiên nhiên hoàn chỉnh. Đặc biệt, cụm đền tháp Po Klong Garai được xem là một cụm tháp hoàn mỹ đã đạt đến đỉnh cao rực rỡ trong nền nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc Champa một thời vàng son ở Đông Nam Á.
Hằng năm vào ngày cuối tháng 6, ngày 1 tháng 7 tính theo lịch Chăm, (khoảng tháng 9, 10 Dương lịch). Tháp Po Klaong Garai là nơi để đồng bào Chăm tại Ninh Thuận nói riêng và đồng bào trên dải Duyên hải miền Trung xum họp về tổ chức lễ hội Katê. Cùng diễn ra tại đền tháp Po Klaong Garai, đồng bào Chăm còn tổ chức tại đền tháp Po Rome và Po Inư Nưgar một cách trang trọng.
Năm 1979, Bộ Văn hóa Thông tin (này là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) đã xếp hạng đền tháp Po Klaong Garai là Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia. Đến cuối năm 2016 thì đền tháp Po KLong Garai đã trở thành Di tích Quốc gia đặc biệt.
Thông tin tham quan đền tháp Po Klaong Garai Ninh Thuận
- Địa chỉ: Tháp Po Klaong Garai – đồi Trầu – phường Đô Vinh – thành phố Phan Rang – Tháp Chàm – tỉnh Ninh Thuận.
- Thời gian: 7h30 – 17h30 hàng ngày.
- Giá vé:
– Trẻ em: 10.000 vnđ/ người/ vé
– Người lớn: 15.000 vnđ/ người/ vé
- Di chuyển: Với khoảng cách khoảng 7km nếu xuất phát từ trung tâm thành phố Phan Ran – Tháp Chàm, bạn có thể di chuyển đến đền tháp Po Klaong Garai bằng taxi, xe ôtô hoặc thuê xe gắn máy.
Một vài lưu ý cần biết khi đến tham quan đền tháp Po Kalong Garai Ninh Thuận
- Sử dụng trang phục nhẹ nhàng, chống nắng tốt.
- Mang theo nước trong quá trình tham quan tháp.
- Không vẽ bậy, xả rác trên khu vực tháp.
- Không nạy, đục gạch tại đền tháp.
- Tuân thủ quy định khi vào bên trong tháp tham quan.
- Tại đền tháp có nhà trưng bày văn hóa Chăm bạn có thể vào tham quan.
- Gần đường xuống khu vực sân khấu, có gian hàng bày bán những sản phẩm Chăm thủ công rất đẹp như gốm làng Bàu Trúc, thổ cẩm Chăm làng Mỹ Nghiệp và chung Mỹ. Bạn có thể mua ở đây nhưng đừng trả giá quá thấp.