Là nơi sưu tập, lưu giữ và trưng bày các di vật về điêu khắc thời kì cực thịnh của Vương quốc Chăm pa. Đến với Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng bạn sẽ được chiêm ngưỡng các tác phẩm điêu khắc độc đáo và tìm hiểu về lịch sử của Vương quốc Chăm pa qua các thời kì.
Nội dung bài viết
Khái quát về Bảo tàng Chăm tại Đà Nẵng
Tọa lạc tại số 02 đường 2 tháng 9, phường Bình Hiên, quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng, Bảo tàng điêu khắc Chăm ở Đà Nẵng được xếp vào danh sách bảo tàng hạng một của Việt Nam vào năm 2011. Được người Pháp xây dựng vào cuối TK XIX, tại đây lưu giữ nhiều tác phẩm điêu khắc được sưu tập của khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và các tỉnh Tây Nguyên.
Về lịch sử Bảo tàng Chăm Đà Nẵng
Vào những năm cuối thế kỉ XIX, những người Pháp yêu khảo cổ học đã thu thập các tác phẩm điêu khắc Chăm từ các vùng của Đà Nẵng, Quảng Nam và các vùng lân cận tập trung về khu vực bảo tàng ngày nay với tên gọi ban đầu là “Công viên Tourane”.
Theo đề xuất của Henri Parmentier – Chủ nhiệm khoa khảo cổ của Trường Viễn đông Bác cổ Pháp (EFEO), ý tưởng xây dựng bảo tàng cho các tác phẩm điêu khắc Chăm ở Đà Nẵng được hình thành và tiến hành xây dựng sau đó.
Theo đó, tòa nhà đầu tiên của bảo tàng được xây dựng dựa trên thiết kế của hai kiến trúc sư người Pháp là Delaval và Auclair vào năm 1915, sử dụng các đường nét kiến trúc Chăm theo ý tưởng của Henri Parmentier.
Đến năm 1919 tức là 5 năm sau ngày xây dựng, Bảo tàng được khánh thành và mở cửa cho khách tham quan.
Năm 1936, Bảo tàng được trùng tu lần thứ nhất nhằm mục đích mở rộng thêm diện tích trưng bày các tác phẩm mới tìm được trong những năm 20 và 30.
Đến thời điểm này bảo tàng đã có không gian gần 1000 mét vuông và được đổi tên thành Musée Henri Parmentier. Cho đến năm 1963, dưới thời Việt Nam Cộng hòa, Musée Henri Parmentier được đổi tên thành Bảo tàng Chàm.
Khoảng gần 40 năm sau, vào năm 2002, một tòa nhà hai tầng nối thêm vào phía sau tòa nhà đầu tiên, tăng thêm hơn 1000 mét vuông diện tích trưng bày các tác phẩm điêu khắc được thu thập sau năm 1975.
Năm 2016 là lần trùng tu cuối cùng toàn diện các tòa nhà, nâng cấp các phòng trưng bày gồm phòng trưng bày chính các bộ sưu tập điêu khắc Chăm và các phòng chuyên đề gốm, âm nhac, lễ hội, nghề truyền thống của đồng bào Chăm hiện nay.
Kiến trúc Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng
Nhìn từ ngoài vào không khó để nhận ra Bảo tàng được xây dựng theo kiến trúc Gothic – Kiểu kiến trúc đặc trưng của Pháp vào thế kỉ XII.
Với mái vòm vuốt nhọn, trần mở rộng và kết hợp cửa kính nhằm tận dụng hết ánh sáng vào trong không gian của Bảo tàng, cùng với những cây hoa sứ mang lại cảm giác nhẹ nhàng mà bí ẩn.
Toàn bộ các kiến trúc từ khi xây dựng đến nay vẫn còn nguyên vẹn dù đã trải qua hai lần trùng tu năm 1936 và 2002.
Bảo tàng điêu khắc Chăm có gì hấp dẫn du khách?
Bảo tàng điêu khắc Chăm hiện là một trong những điểm nhấn của du lịch Đà Nẵng, thu hút nhiều lượt khách du lịch đến tham quan.
Hiện Bảo tàng đang sở hữu gần 2000 hiện vật lớn nhỏ, trong đó có số hiện vật được trưng bày lên tới con số 500 được phân chia theo khu vực địa lý – nơi mà chúng được tìm thấy.
Từ lối vào của bảo tàng bạn sẽ tham quan lần lượt từng phòng trưng bày:
Đầu tiên là phòng Trà Kiệu, trưng bày các tác phẩm có niên đại thề kỉ VII-VIII và thế kỉ XI-XII như tượng thần Shiva, thần Vishnu, tác phẩm Năng lực sáng tạo hay phần đài thờ Trà Kiệu…
Đến phòng trưng bày Đồng Dương trưng bày các tác phẩm điêu khắc tại Đồng Dương-trung tâm Phật giáo của Chăm pa. Bao gồm các tác phẩm như Tượng Phật, tượng Bồ Tát, tượng Deva… mặc dù có một số nét ảnh hưởng bởi Trung Hoa và Ấn Độ nhưng kiến trúc và điêu khắc Phật giáo Chăm pa vẫn màn những nét văn hóa bản địa tạo phong cách độc đáo và cho thấy sự phát triển của Phật giáo Đại thừa tại Chăm pa thời bấy giờ.
Nằm gần lối ra là phòng Tháp Mẫm-Bình Định, nơi trưng bày các hiện vật có niên đại từ thế kỉ XII-thế kỉ XV. Hiện phòng này trưng bày 67 hiện vật bao gồm tượng Rồng, tượng thần Brahma, Gajasimha, thần Garuda,…
Ngoài các phòng trưng bày theo khu vực địa lý, đằng sau bảo tàng là gian nhà hai tầng trưng bày những cổ vật và tài liệu về văn hóa Chăm cũng như các nền văn hóa Đông Nam Á khác.
Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng – Nơi duy nhất trên thế giới lưu giữ và trưng bày các cổ vật về nền văn hóa Chăm pa đã trở thành điểm du lịch không thể bỏ qua khi đến Thành phố Đà Nẵng.
Thông tin tham quan bảo tàng Chăm Đà Nẵng: Địa chỉ, Giá vé, Giờ mở cửa
Địa chỉ: Số 02 Đường 2-9, Phường Bình Hiên, Quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng
Giờ mở cửa: 7h-17h30’ hàng ngày
Giá vé tham quan:
- Đối với người lớn trên 16 tuổi: 40.000 đồng/người/01 lượt tham quan
- Đối với sinh viên: 10.000/người/01 lượt tham quan