Nói đến những công trình kiến trúc tôn giáo chùa chiền ở Sóc Trăng thì không thể nào không nhắc đến chùa Dơi. Một ngôi chùa cổ không chỉ đẹp về phong cách kiến trúc bắt mắt, mà còn bí ẩn với những câu chuyện tâm linh chưa lời giải mã. Một ngôi chùa trong số những ngôi chùa thuộc hệ thống chùa Khmer Nam Bộ hiếm hoi còn lưu giữ nhiều hiện vật quý có giá trị văn hóa lẫn lịch sử.
Nội dung bài viết
- 1 Thông tin tham quan chùa Dơi Sóc Trăng: Địa chỉ, thời gian mở cửa, giá vé
- 2 Xung quanh tên gọi và lịch sử hình thành chùa Dơi
- 3 Câu chuyện về cốt tinh “Heo năm móng” và hàng nghìn con Dơi quạ cư trú
- 4 Chùa Dơi với dấu ấn kiến trúc truyền thống Angkor khmer – Campuchia
- 5 Hướng dẫn di chuyển đến chùa Dơi ở Sóc Trăng
Thông tin tham quan chùa Dơi Sóc Trăng: Địa chỉ, thời gian mở cửa, giá vé

- Địa chỉ: Văn Ngọc Chính, Phường 3, Thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.
- Thời gian: 7h30 – 18h00 hàng ngày.
- Giá vé: miễn phí.
Xung quanh tên gọi và lịch sử hình thành chùa Dơi

Cách trung tâm thành phố Sóc Trăng khoảng chừng 2,5km về phía Đông Nam, tại đường Lê Hồng Phong, phường 3. Chùa Dơi (hay còn gọi là chùa Mã Tộc hay chùa Mahatúp) là ngôi chùa duy nhất thờ Phật Thích Ca của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ tại tỉnh Sóc Trăng.
Theo như ghi chép của các thư tịch cổ viết trên lá đang được bào tổn và lưu giữ. Chùa Dơi được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVI (năm 1569) với tên gọi theo tiếng Khmer là “Serây tê chô mahatúp”, có nghĩa là ngôi chùa “do phúc đức tạo nên”.
Lúc xây dựng, đa phần các hạng mục đều sử dụng các vật liệu từ gạch, gỗ cây, mái lá và vách đất là chính. Năm 1960 Chùa sửa chữa lớn ở chánh điện. Năm 1999, Chùa Dơi ở Sóc Trăng đã được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia.
Đến năm 2008, Chùa Dơi Sóc Trăng bị cháy ngôi chánh điện. Vào tháng 4 năm 2009, chánh điện chùa đã được phục chế lại như cũ.

Năm 2013, khu du lịch Chùa Dơi Sóc Trăng được đưa vào hoạt động, nằm phía đối diện cổng chùa, có bãi đậu xe rộng rãi, và các dịch vụ tiện ích khác như nhà hàng chùa Dơi, xe điện…
Trải qua khoảng thời gian hơn 400 năm, đến nay chùa đã được tôn tạo lộng lẫy với nét kiến trúc Angkor Khmer truyền thống kết hợp lối kiến trúc Việt đặc sắc như bây giờ.
Quan trọng là vẫn còn giữ nguyên vẹn những hiện vật quý giá như pho tượng Phật Thích Ca bằng đá nguyên khối đặt trên một tòa sen cao khoảng 2m; một pho tượng miêu tả Đức Phật cưỡi trên rắn thần Muchalinda; nhiều cây đèn dầu quý, gian nhạc cụ truyền thống của người Khmer cùng các bộ kinh luật cổ viết trên lá cây thốt nốt.
Từ những điều này có thể nói rằng: “Trong tất cả những ngôi chùa thuộc hệ thống chùa Khmer Nam Bộ ở Đồng bằng sông Cửu Long, chùa Dơi Sóc Trăng là một trong số ít những ngôi chùa có tuổi đời cổ nhất”.
Câu chuyện về cốt tinh “Heo năm móng” và hàng nghìn con Dơi quạ cư trú
Cốt tinh “heo năm móng” và việc hàng nghìn con dơi quạ có trọng lượng từ 1 – 1,5kg với sải cánh rộng đến 1,5m đến cư trú tại chùa là câu chuyện hiếu kỳ với nhiều bí ẩn làm nhiều người thích thú khi đến tham quan chùa Dơi.
Cốt tinh “heo năm móng”
Theo đó, câu chuyện cốt tinh “heo năm móng” được bà con tại miền Tây lưu truyền là những kẻ ác khi chết sẽ hóa kiếp thành tinh để báo oán. Những người này sẽ hóa thành kép heo với đặc điểm là heo năm móng hay còn gọi là heo ba giò.
Bà con người Khmer rất sợ heo ba giò. Ba giò ở đây không phải thiếu một giò mà ba giò kia một màu lông, giò còn lại có màu lông khác, đen hoặc trắng chẳng hạn. Không rõ dựa vào đâu mà người ta tin rằng, những con heo đó là cốt tinh của người, nó là linh hồn của con người đầu thai. Những người đó vốn gây nhiều tội ác, nên bị đày làm kiếp heo.
Chính vì mang linh hồn của kẻ ác, nên những gia đình nuôi heo nào có heo năm móng sẽ phải gặp tai họa. Người Khmer còn tin rằng, gia đình nào nuôi phải con heo này thì sẽ gặp bất hạnh, gia đình lục đục, thậm chí là mất mạng (nếu giết heo thì cả nhà sẽ phải đền mạng).
Do vậy mà gia đình nào nuôi heo mà không may heo mẹ sinh bày con trong đó có heo năm móng, thì phải nuôi dưỡng và chăm sóc nó đến già. Quan trọng khi chết, phải mai táng cẩn thận như người, mới mong thoát kiếp nạn.
Dù là vậy, để nghĩ ra các phương thức giải hạn cho mình cũng như cho cốt tinh “heo năm móng”, người dân miền tây đã đẩy “heo quái thai” vào nhà chùa nuôi. Mục đích của việc này là họ tin rằng, nhà chùa là nơi thích hợp, có thể nâng đỡ linh hồn tội lỗi, bị đày làm kiếp heo. Và cái để hóa kiếp là các con heo này sớm hôm được nghe kinh Phật, sám hối, thức tỉnh mà hóa giải được tai họa.
Tại chùa Dơi thì câu chuyện này xảy ra vào năm 1989. Khi đó, chùa Dơi còn khá hoang vu, cây cối rậm rạp, dơi bay rợp trời. Trong chùa có bà cụ Khiên, là người trông nom, quét dọn chùa.
Một đêm như thường lệ, bà Khiêm hoàn thành công việc rồi chìm vào giấc ngủ say. Trong giấc mơ, Bồ Tát hiển linh bảo với bà rằng, ngày mai, sẽ có một nữ thí chủ đến chùa xin quy y. Bà Khiêng giật mình tỉnh giấc, toàn thân toát mồ hôi, thắp hương và thông báo với các sư trong chùa.
Sáng hôm sau, bà Khiên dậy sớm vừa quét chùa, vừa ngó chừng ra cổng xem có ai đến không. Trông mãi nhưng không thấy. Bà nghĩ giấc mộng đêm qua không hiển linh nên bà tiếp tục công việc quét dọn của mình.
Làm hồi lâu, bà trở ra phía sau chùa thì bất ngờ thấy có một con heo cái rất lớn đang ngủ ngon lành. Không biết heo nhà ai xông vào chùa, làm ô uế không gian thanh tịnh, nên bà tức mình cầm chổi đập vào mông, đánh thức dậy đuổi đi. Tuy nhiên, bà làm đủ trò nhưng nó cứ nằm ủn ỉn, rồi rên la, đứng ì một chỗ, không chịu nhúc nhích.
Ngay trong lúc này thì có một phật tử đến viếng chùa hét lên: “Heo năm móng bà ơi! Heo này thiêng lắm, là cốt tinh của người đấy! Nó vào chùa là có duyên với nhà chùa rồi bà ạ”. Nghe thoáng qua rồi bà ngẫm lại nhìn kỹ, hóa ra là heo năm móng thật. Khi ấy, bà mới giật mình nhớ lại giấc mộng đêm qua. Thì ra, nữ thí chủ đến chùa quy y chính là “nàng heo” này.
Thế là từ đó, con heo được nhà chùa nuôi dưỡng cẩn thận, xây dựng một chỗ ở riêng và đặt trên là “Cô năm Hợi”. Cũng tư đây, câu chuyện được đồn gần xa, lan truyền đến nhiều người và ngôi chùa trở thành nơi gửi gắm của những con heo gọi là “cốt tinh”.
Cô Năm Hợi sống ở chùa khoảng 7 năm trong sự chăm lo đầy đủ, to gần 400kg rồi thanh thản ra đi.
Sư Tú Linh là người trụ trì chùa lúc này, đã cho phép chọn một nơi yên tĩnh ở góc vườn để xây mộ cho “Cô năm Hợi”. Điều kỳ lạ này mà khi “Năm Hợi” chết, nhiều người đã đến hương khói, cúng vái. Cũng tư đây, câu chuyện được đồn gần xa, lan truyền đến nhiều người và ngôi chùa trở thành nơi gửi gắm của những con heo gọi là “cốt tinh”.
Kỳ lạ hiện tượng Dơi quạ đến cư trú tại chùa
Song song bên câu chuyện cốt tinh “heo năm móng” hay “heo ba chân”, chùa Dơi còn gắn liền với hiện tượng là về việc hàng nghìn con Dơi qua đến cư trú tại chùa.
Theo các nhà sư tại chùa, ngay khi ngôi chùa được khởi công xây dựng và hình thành. Lúc đó, chùa còn hoang sơ, có nhiều cây cối thì về chiều từ đầu có hàng trăm con dơi bay đến trú ngụ. Các nhà sư thấy đó làm lạ và nghĩ rằng, đây là phúc đức, điềm lành nên các nhà sư cũng như bà con không nên xua đuổi.
Ngày qua ngày, dơi đến càng đông hơn, nhìn lên cây chỉ thấy dơi và dơi. Điều đặc biệt là loại dơi này không quấy phá nhà chùa cũng như nhà người dân xung quanh; mà cứ chiều là bây đến cư trú rồi sáng lại là bay đi tìm ăn.
Đến nay chùa đã trải qua hơn 400 năm, qua 19 đời trụ trì. Dù ngôi chùa được sửa sang, tu bổ nhiều lần nhưng loài dơi này không di trú mà vẫn ở lại chùa. Do vậy mà ngoài tên gọi chùa Mã Tộc hay Mahatúp (tên gọi theo tiếng Khmer) thì chùa còn được gọi theo tên khác là chùa Dơi.
Chùa Dơi với dấu ấn kiến trúc truyền thống Angkor khmer – Campuchia

Cũng như bao ngôi chùa khác thuộc hệ thống chùa chùa Khmer Nam Bộ theo hệ phái Nam tông tiểu thừa. Chùa Dơi sau nhiều lần trùng tu, mở rộng. Đến nay chùa mang đậm phong cách kiến trúc truyền thống Angkor khmer – Campuchia. Tuy nhiên, so với những công trình kiến trúc chùa Khmer khác trong vùng như chùa Khleang, chùa Bốn Mặt hay chùa Chén Kiểu; thì phong cách kiến trúc chùa Dơi hạn chế hơn do ít hạng mục.
Cụ thể, ngôi chùa là công trình gồm có hạng mục như cổng tam quan, chính điện, tháp cốt, sala và nơi nghỉ dưỡng của các nhà sư. Trong đó, cổng tam quan và ngôi chính điện là nơi được chú trọng thể hiện nhiều hoa văn, phù điêu, họa tiết nhất.
Đầu tiên, cổng tam quan là công trình mang đậm phong cách truyền thống đền tháp theo lối Angkor Campuchia. Trên cổng tam quan là các họa tiết chạm khắc cầu kỳ, bắt mắt với điểm nhấn chính giữa là tượng phật Thích Ca. Màu chủ đạo trên hàng mục hoa văn của công tam quan chùa là màu vàng được sơn thiếp vàng, cổ kính, uy nghi.
Qua cổng tam quan theo con đường rợp bóng cây cao hai bên. Ngôi chính điện là công trình vững chắc được xây lại bằng gạch, mái lợp ngói, bốn đầu mái cong vút chạm trổ hình rắn Naga, trên đỉnh mái có một ngọn tháp nhọn. Bao quanh chánh điện là các hàng cột đỡ, mỗi cột có một tượng tiên nữ Kemnar chắp hai tay trước ngực…
Trước chính điện là bức họa Phật Thích Ca đang thuyết giảng cho năm anh em 5 anh em ông Kiều Trần Như trước kia cùng tu khổ hạnh với Ngài.
Đi thẳng vào chính điện theo hai bên tả hữu, là pho tượng Phật Thích Ca bằng đá nguyên khối đặt trên một tòa sen cao khoảng 2m và một pho tượng miêu tả Đức Phật cưỡi trên rắn thần Muchalinda. Khắp trên các bức tường là những bức tranh miêu tả cuộc đời Đức Phật, từ lúc ra đời cho tới khi được khai minh rồi nhập Niết bàn.
Đặc biệt, trong Chùa Dơi tỉnh Sóc Trăng còn lưu giữ các bộ kinh ghi trên lá cây thốt nốt, và những hiện vật quý hiếm mang giá trị đặc sắc về văn hóa tín ngưỡng của vùng đất Nam Bộ.
Bên cạnh hai hạng mục cổng tam quan và ngôi chính điện, nằm trong khuôn viên xanh của chùa còn có những hàng cây cổ thụ mát mẻ. Sen lẫn trong không gian này là các bảo tháp chứa di hài các sư trụ trì chùa, nhà hội Sa La với kiến trúc kiểu nhà rông, làm nơi nghỉ ngơi, tu học của các sư sãi…
Ngoài ra, phía sau chùa có những ngôi mộ kỳ lạ, trên mỗi mộ có vẽ hình 1 con heo, đây là những con heo 5 móng (heo thường chỉ có 3 móng) được các nhà sư nuôi trong chùa, và khi chết chúng được chôn tại đây.
Song cùng với phong cách nghệ thuật, kiến trúc cùng nhiều hiện vật cổ tại chùa có trưng bày bản đồ cổ khẳng định chủ quyền quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam. Một điểm nhấn mà rất được du khách trong và ngoài tỉnh yêu thích vì thể hiện rất rõ tinh thần dân tộc.
Năm 1999, chùa Dơi được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia.
Hướng dẫn di chuyển đến chùa Dơi ở Sóc Trăng
Tại trung tâm thành phố (đường Nguyễn Thị Minh Khai) – đi đường Lê Hồng Phong (qua bệnh viện đa khoa Hoàng Tuấn) – đi thẳng, trẻ phải đường Văn Ngọc Chính – theo bảng chỉ dẫn đến chùa Dơi.