Trong hệ thống chùa Khmer Nam Bộ của đồng bào người Khmer tại Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Sóc Trăng. Có thể nói chùa Khleang Sóc Trăng là nơi thể hiện dấu ấn văn hóa rõ nhất trong đời sống tín ngưỡng Phật giáo theo hệ phái Nam tông tiểu thừa. Đặc biệt, chùa Khleang là một trong những nơi lưu giấu, gắn liền với những giai thoại, câu chuyện, truyền thuyết tâm linh kỳ bí chưa lời giải mã.
Nội dung bài viết
Chùa Khleang và sơ nét lịch sử hình thành
Toạ lạc tại số 71 đường Mậu Thân, khóm 5, phường 6, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Chùa Khlenag (Kh’leang) là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Sóc Trăng, có tuổi thọ gần 500 năm, và gắn liền với những truyền thuyết về địa danh Sóc Trăng.
Theo tương truyền được ghi chép đang lưu trữ tại chùa, thì vào đầu thế kỷ XVI, trong một lần vua Chân Lạp là Ang Chăn đi kinh lý từ kinh đô Lô-véc các lãnh địa xa xôi ở vùng hạ lưu sông Hậu.
Khi đến vùng đất Srok Kh’leang (tiếng Khmer có nghĩa là “xứ có kho”, tức tỉnh Sóc Trăng ngày nay) mà không thấy có ngôi chùa thờ Phật nào, ngài bèn ra lệnh cho viên quan coi quản đất này (ông tên là Tác, phiên âm từ tiếng Khmer) phải xây dựng gấp một ngôi chùa để dân chúng có nơi hành đạo.
Vâng lệnh vua ban, năm 1532, ông Tác triệu tập các tín đồ và đại diện các “sóc” (srok, có nghĩa là “xứ”) đến bàn bạc, đồng thời kêu gọi mọi người góp công, góp sức để xây dựng ngôi chùa thờ Phật.
Sau khi cùng thống nhất, ngôi chùa chính thức đặt nền móng khởi công xây dựng vào ngày 16 tháng 12 Phật Lịch 2076 (tức vào năm 1532 dương lịch). Trong gần một năm thi công và hoàn thành, ngôi chùa khánh thành khang trang bằng nhiều vật liệu gỗ cây, đất đá và lá rừng.
Chùa được đặt tên là Khleang (tên được lấy theo tên của vùng đất Sóc Trăng ngày ấy là “Srok Kh’leang”). Và người được chọn làm sư trụ trì đầu tiên là nhà sư Thạch Sóc (61 tuổi, thọ giới đã 40 năm, lúc đó đang tu tại chùa Luông Bassac, thuộc phạm vi huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng ngày nay).
Bên cạnh công việc đảm nhiệm sư trụ trị chùa Khleang, sư Thạch còn kiêm luôn chức vụ Mê Kông – chức vụ đứng đầu hội sư sãi của một vùng.
Dấu ấn đậm nét trong phong cách kiến trúc truyền thống Angkor Khmer của chùa Kh’leang
Trãi qua bao biến cố thăng trầm của thời gian trong gần 500 năm, sau nhiều lần được trùng tu, mở rộng. Ngày nay, chùa là công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc thuần theo phong cách truyền thống Angkor Khmer.
Đến đây tham quan, từ ngoài nhìn vào trong. Chùa được xây trên nền đất cao rộng khoảng 3.825 mét vuông với không gian thông thoáng có nhiều cây xanh, đặc biệt là cây thốt nốt, loại cây đặc trưng của người Khmer.
Bao quanh chùa là ba vòng rào chắc chắn được xây dựng bằng bê tông, cốt thép và gạch đá. Trên mỗi tường rào là hình ảnh chạm khắc tinh tế các hình tượng, hoa văn phù điêu bắt mắt rất lộng lẫy và luôn toát lên vẻ uy nguy, cổ kính.
Trong hệ thống ba vòng rào bao quanh là các hạng mục như cổng tam quan, sala, giảng đường, chính điện … tất cả đều xây dựng theo phong cách Angkor Khmer truyền thống. Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ thì các hãng mục có chút pha lẫn của phong cách kiến trúc Chăm lẫn phong cách Việt.
Điểm nhấn trong các hạng mục của ngôi chùa Khleang là cổng tam quan, ngôi chính điện và sala. Ba hạng mục này được xem là nơi thể hiện phong cách kiến trúc Angkor Khmer tuyệt hảo nhất khi trang trí ngoại thất bên trong, lẫn bên ngoài đều quyện hòa là một.
Cụ thể, đi từ ngoài vào, cổng tam quan chùa Khleang được trang trí hoa văn cầu kỳ với màu sắc rực rỡ mang đậm phong cách văn hoá Chăm.
Qua tam quan đi thẳng vào là hai tháp hình bầu dục ở hai bên tả hữu, dùng để hài cốt các vị trụ trì. Đi thẳng vào trong là ngôi chính điện uy nghi hiện ra với một màu chủ đạo là màu vàng cổ kính.
Để lên chính điện, khách phải vượt qua các cổng của từng bậc thềm – nơi có các tượng thần giữ cửa. Điều đặc biệt là các tượng này được chế tác dựa theo truyền thuyết Khmer các hoa văn hình vuông, tròn, chữ nhật, thoi, tam giác,…
Các cửa ra vào chính điện của chùa Khleang được làm bằng gỗ – nguyên thân gỗ xẻ, khắc cảnh giao đấu giữa hai nhân vật thiện – ác trên nền khung được trang trí hoa văn chi tiết, bố cục gọn gàng, đường nét uyển chuyển, uốn lượn, thể hiện trình độ chạm khắc gỗ tài hoa của các nghệ nhân.
Bên trong chính điện có 16 cột bằng gỗ to, đen mượt được thiếp vàng thể hiện các hình ảnh nói về cuộc đời đức Phật, về sinh hoạt Phật pháp. Trên trần và tường được vẽ nhiều hình ảnh, hoa văn, thể hiện sự hoà hợp giữa phật pháp và hội hoạ. Nơi chính điện là bức tượng Phật to ngồi trên tòa sen lộng lẫy tạo nên sự uy nghiêm thanh thoát.
Giữa chính điện là tượng Phật thích ca ngồi thiền định trên bệ tượng cao, được trang trí nhiều tầng hoa văn hình cánh sen và lửa. Phía bên trái tượng Thích ca là bức cửa võng bằng gỗ sơn son thếp vàng gồm nhiều hoa văn hình chim muông hoa lá theo mô típ quen thuộc của người Kinh.
Trần chính điện được trang trí hài hòa các bức tranh sơn dầu vẽ hình tiên nữ đang múa trên bầu trời. Quan sát tổng thể, các bức tranh trên tầng đóng vai trò làm làm tăng thêm phần sinh động cho gian bên trong chính điện.
Mái chùa cũng được trang trí bằng các phù điêu hình chim thú cũng như là những hình ảnh tượng trưng cho triết lý nhà Phật. Điều này thể hiện cho triết lý về mối giao hoà giữa Phật – Con người – Trời của người Khmer.
Tính đến thời điểm hiện tại, chùa Khleang có khoảng 45 tượng Phật Thích Ca làm từ nhiều chất liệu như ciment, gỗ, đồng, đá trắng, đất nung,… đa phần các tượng phật này chạm trổ, sơn son thiếp vàng. Bên cạnh đó trong chùa còn trưng bày các vật dụng của người Khmer xưa với mục đích bảo tồn và phát huy nét sinh hoạt văn hoá cổ xưa của dân tộc mình.
Với giá trị nghệ thuật đặc sắc trong kiến trúc lẫn ý nghĩa trong đời sống, văn hóa tín ngưỡng phật giáo của bà con. Ngày 27 tháng 4 năm 1990, Bộ Văn hóa – Thông tin – Thể thao (nay là Bộ Văn hóa thể thao & Du lịch) đã xếp hạng chùa Khleang là Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia theo Quyết định số 84/QĐ-BVHTT.
Hàng năm, bên cạnh các lễ hội tôn giáo, chùa Khleang còn tổ chức các lễ truyền thống của dân tộc Khmer, như lễ Chol Chnam Thmay (lễ vào năm mới, còn gọi là lễ chịu tuổi), lễ Dolta (lễ cúng ông bà), lễ cúng trăng vào ngày 15-10 âm lịch và tổ chức đua ghe ngo…
Thông tin tham quan chùa Kh’leang Sóc Trăng
- Địa chỉ: số 71 đường Mậu Thân, khóm 5, phường 6, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.
- Thời gian: 7h00 – 18h00 hàng ngày.
- Giá vé: miễn phí.
Hướng dẫn di chuyển đến chùa Kh’leang Sóc Trăng
Chùa Kh’leang nằm ngay trung tâm thành phố Sóc Trăng, khoảng 900m nếu xuất phát từ công viên Bạch Đằng và 700m nếu xuất phát từ chợ trung tâm thành phố Sóc Trăng. Chính vì vậy mà việc di chuyển đến chùa, bạn chỉ cần đi theo cung đường: Hai Bà Trưng (qua cầu Quay) – đi thẳng đường Tôn Đức Thắng – đến ngã ba giao với đường Nguyễn Chí Thanh thì rẽ vào đường Mậu Thân là đến.