Một trong những nơi tạo nên điểm nhấn cho du lịch miền Tây nói chung và hai tỉnh Bến Tre, Tiền Giang nói riêng không đâu khác chính là tứ linh cồn “Long – Lân – Quy – Phụng”. Một bộ tứ linh nổi tiếng với những đặc trưng văn hóa sông nước thú vị, làm nhiều người hào hứng khi đến trải nghiệm, nhất là du khách quốc tế. Vậy, tứ linh cồn “Long – Lân – Quy – Phụng” có những nét đặc trưng văn hóa nào đặc biệt? Cùng Godidigo.com du hành miền Tây khám phá tứ linh cồn “Long – Lân – Quy – Phụng”
Tuy cùng nằm trên dòng sông Tiền rộng lớn, nhưng tứ linh cồn “Long – Lân – Quy – Phụng” thuộc địa phận hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre. Cụ thể, cồn Long và cồn Lân thuộc thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang; còn cồn Quy và cồn Phụng thuộc xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Mặc là vậy, nhưng khoảng cách của mỗi cồn chỉ cách nhau từ 1km – 2km đường sông, mất khoảng 10 – 15 phút di chuyển bằng tàu hoặc thuyền. Chính vì vậy mà tại hai địa phận của hai tỉnh, bạn có thể chọn bất kỳ điểm nào để di chuyển đến từng cồn,
Nội dung bài viết
Khám phá tứ linh cồn “Long – Lân – Quy – Phụng”
Cũng như các cù lao khác ở các tỉnh miền Tây, mỗi cồn (cù lao) đều có một sức hút riêng của mình để tạo nên những điểm nhấn trong lòng du khách. Tứ linh cồn “Long – Lân – Quy – Phụng” ở Tiền Giang và Bến Tre cũng vậy, cũng có những đặc trưng văn hóa hấp dẫn như: Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, làng nghề truyền thống, những trải nghiệm sông nước, khu vui chơi, vườn trái cây, … được nhiều du khách trong và ngoài nước yêu thích.
Cồn Long (Cù lao Tân Long = Tân Phong)
Cồn Long, hay còn gọi là cù lao Tân Long, một cồn nổi tiếng trong bộ tứ linh cồn miền Tây về nghề đóng, sửa chữa tàu ghe và nuôi thủy sản trên nhà bè (nhà lòng).
Theo ghi chép, thì vào khoảng năm 1788, giữa sông Mỹ Tho (một nhánh nhỏ của dòng sông Tiền) nổi lên một gò đất bổi rất rộng, tuy nhiên không có ai sinh sống. Càng về sau, gò đất bồi ấy càng ngày càng được phù sa bồi đắp màu mỡ, cây cối xanh tốt mọc um tùm.
Đến năm 1872, một vài gia đình chuyển đến đây khai hoang, sinh sống với những trồng trọt, đánh bắt thủy sản ven cồn. Dần dần, nhiều gia đình không có đất cũng tìm đến an cư, lập nghiệp. Thấy gò đất rất rộng và cao hơn mặt nước, người ta gọi với nhau một tên chung là cù lao hoặc cồn, nhằm để phân biệt với đảo nổi trên biển.
Vài năm sau đó, Đốc phủ Mầu là một đại địa chủ có tiếng giàu nhất xứ Định Tường (tên gọi của Mỹ Tho trước đây) đã cho người qua thăm dò, ủy mạnh về quyền thế rồi tuyên bố rằng đây là đất do ông khai phá. Sau đó, ông đã cho mang những loại cây đặc sản của đất liền lúc bây giờ như mận, nhãn, chôm chôm, sầu riêng, xoài… qua trồng ở cồn này và phân công người gìn giữ đất trên cồn.
Sau khi thực dân Pháp chiếm đóng Nam Kỳ lục tỉnh (1867) và thiết lập bộ máy đô hộ, họ đã áp địa chủ Mầu giao cồn Rồng lại cho chính quyền Pháp. Từ đó, người Pháp cho xây ngây một bệnh viện phong ở đây (1958) để những người bệnh nhân bệnh phong qua ở và điều trị. Trại phong lúc này được xem như là một ấp của xã Bình Đức, được quản lý bởi một bộ máy chính quyền do người Pháp lập ra. Gần 100 năm sau (1971), trại phong này được dời ra Quy Hòa (thành phố Quy Nhơn – tỉnh Bình Định ngày nay), lúc này đất được trả lại để người dân đến sinh sống và lập thành một làng sống bằng nghề đánh bắt thủy sản và trồng cây ăn trái. Cũng từ đó, người ta đặt tên cho cồn này là Cồn Cùi (hay cồn Phong, về sau gọi là cồn Tân Phong).
Nhờ vị trí nằm ngay nhánh của một trong hai dòng sông lớn bắt nguồn từ sông Mekong chảy về nên hàng năm, diện tích đất trên cồn được mở rộng do phù sa bồi đắp mạnh.
Song cùng với với ra đời của tên gọi cù lao Tân Phong, cồn Long còn gắn liền với một sự tích xa xưa về một loài thủy quái chốn sông nước. Chuyện kể: “Thuở ấy, đất trời còn hoang sơ, chưa có dấu vết của sự sống con người. Dưới lòng sông Tiền có một con thuồng luồng rất lớn trú ngụ, lâu dần phù sa bồi đắp rồi phủ lên thân nó và hóa nó thành cồn đất nổi lên giữa dòng. Từ đó, con người xuất hiện, đem theo hoa trái, giống cây đến mảnh đất này để trồng trọt. Lâu dần, mỗi khi kể lại truyền thuyết cho con cháu, họ không gọi là con thuồng luồng nữa mà gọi đó là con rồng. Cũng từ đây người ta đã dùng tên “Long” để đặt trên cho cồn”.
Mặc dù nổi tiếng là cù lao chuyên về nuôi thủy sản trên nhà bè, chuyên đóng sửa chữa tàu ghe. Tuy nhiên với những nét hấp dẫn trong văn hóa và đặc biệt là nơi tập trung rất nhiều vườn trái cây ăn trái lớn thì cù lao Tân Phong rất thích hợp cho những chuyến vui chơi, nghỉ dưỡng trong không gian xanh vào những ngày cuối tuần.
Đến đây, tại những nhà vườn lớn, các điểm vui chơi trải nghiệm, du khách sẽ được khám phá cù lao Tân Long tại những vườn trái cây nồng nàn hương thơm như: xoài, sầu riêng, cacao, mít, mận, sầu riêng, vú sữa, … từ lâu đã làm nên danh tiếng nông sản của tỉnh Tiền Giang. Hay lang thang đến những con rạch chằng chịt, ngồi trên chiếc xuồng ba lá để cùng các cô thôn nữ mỹ miều khám phá, tìm hiểu cuộc sống của bà con trên cồn. Thú vị hơn là được tham gia những công việc của người nông dân miền Tây trong bộ áo bà ba, xuống mương, tát nước bắt cá; rồi tự tay chế biến các nguyên vật liệu có sẵn trong vườn, ngồi dưới những tán cây lớn cùng ăn và cùng thưởng thức nghệ thuật thâm thúy “Đờn ca tài tử Nam Bộ”.
Cồn Lân (Cù lao Thới Sơn)
Trong bốn cồn “Long – Lân – Quy – Phụng” thì cồn Lân, hay còn gọi là cù lao Thới Sơn, là cồn có diện tích lớn nhất trong bốn cồn. Điểm nhấn của cồn này là có rất nhiều những con rạch nhỏ quanh co, uốn lượn theo thế đất đai hai bên phủ đầy bần, dừa nước.
Cũng như cồn Long, cồn Lân là nơi diễn ra nhiều hoạt động du lịch hấp dẫn. Nói đúng hơn thì trong bốn cồn thì cồn Lân là nơi nhộn nhịp nhất khi tất cả các hoạt động tập trung ở đây khi có rất nhiều nhà hàng chuyên đón, phục vụ đoàn đông để tham quan các làng nghề truyền thống như hủ tiếu, kẹo dừa, nghề nuôi ong lấy mật, … trải nghiệm xuồng ba lá qua các kênh rạch, các trò chơi sông nước dành cho nhiều lứa tuổi, đi xe ngựa ngắm cảnh cù lao… đặc biệt là nơi để các nhóm nhạc tài tử trình diễn, giao lưu nghệ thuật “đờn ca tài tử Nam Bộ”.
Cũng tài cù lao Thới Sơn, du khách sẽ được thưởng thức nhiều món trái cây tươi trong nhà vườn, các món đặc sản nam bộ nổi tiếng như lẩu mắm, thịt chuột đồng, cá lóc nướng trui, bánh xèo, gỏi tàu hủ dừa, cái tai tượng chiên xù, …
Cồn Quy (cù lao Biện Quy)
Là một trong hai cồn thuộc về địa phận tỉnh Bến Tre, cách cồn Long 3km đường sông và 2,5km cồn Lân và hơn 1km với cồn Phụng. Cồn Quy hay còn gọi là cù lao Biện Quy, là cồn có diện tích nhỏ nhất trong tứ linh cồn.
Theo như lời kể của các vị cao niên sinh sống tại cồn. Cồn Quy ngày xưa chỉ là mỏm đất hoang vu, cỏ cây rậm rạp, không ai sinh sống. Dần dần con người lập đất, khai phá và chuyển đến xây cất nhà ở đây. Dần dần theo thời gian, cồn được phù sa sông Tiền bồi đắp tự nhiên nên đất đai ngày càng màu mỡ, rộng rãi, chính từ điều này mà người dân càng lúc càng đến ở nhiều. Họ trồng hoa màu và các loại cây ăn trái như nhãn, sapôchê, bưởi, mận, xoài, mít tố nữ… và có một nghề truyền thống nổi tiếng tạo nên thương hiệu sản phẩm cho cồn Quy bấy lâu này là nuôi ong chắt mật từ hoa nhãn và làm kẹo dừa.
Thông thường cồn Quy là điểm được nhiều du khách quốc tế ghé thăm hơn là du khách Việt do hoạt động du lịch ở đây không quá nhộn nhịp như ở các cồn khác, nên rất phù hợp với khách nước ngoài. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian 1, 2 năm trở lại đây, nhiều bạn yêu thích du lịch phượt thì luôn chọn cồn Quy là điểm bắt đầu cho chuyến hành trình khám phá tứ linh cồn “Long – Lân – Quy – Phụng” của mình.
Cồn Phụng (Cù lao Tân Vinh)
Cồn Phụng hay còn gọi là cù lao Tân Vinh, cũng là là một cồn nhỏ trên sông Mỹ Tho, tuy nhiên nhờ phù sa bù đắp nên cồn được mở rộng diện tích.
Cồn khi trước có tên là Tân Vinh, về sau thì được gọi thêm một tên khác là cồn Đạo Dừa (cù lao Đạo Dừa), do gắn liền với một giáo phái tên Đạo Dừa hoạt động ở chùa Nam Quốc được ông Nguyễn Thành Nam đã đến đây xây vào những năm cuối thế kỷ XX.
Song cùng với tên gọi Đạo Dừa, cồn còn có tên gọi thứ ba là cồn Phụng. Tên gọi này ra đời do trong thời gian xây dựng ngôi chùa Nam Quốc Phật của ông Nguyễn Thành Nam, những người thợ nhặt được một cái chén cổ có hình con chim phụng. Vì thế mà từ đó người ta đã truyền tai nhau và lấy đó để đặt tên cho cù lao này.
Hoạt động du lịch ở cồn Phụng cũng như các cồn khác, nhưng tại cồn Phụng lượng khách tìm đến nhiều hơn do có khu vui chơi rộng lớn dành cho nhiều lứa tuổi khác nhau. Đặc biệt, nhờ các hạng mục công trình của Đạo Dừa Nguyễn Thành Nam của mà ông Nguyễn Thành Nam được gìn giữ nguyên vẹn, chỉ có chùa Nam Quốc Phật đã bị phá hủy hoàn toàn nên rất thu hút tìm đến tham quan, chiêm ngưỡng.
Để phần nào hiểu thêm về giáo chủ Nguyễn Thành Nam và Đạo Dừa của ông, các bạn có thể tìm hiểu cơ bản qua phần dưới đây.
Đôi nét về giáo chủ Đạo Dừa Nguyễn Thành Nam
- Nguyễn Thành Nam (tên thường gọi là cậu Hai Nam) sinh ngày 25 tháng 12 năm Kỷ Dậu (1910) tại làng Phước Thạnh, tổng An Hòa, quận Trúc Giang, tỉnh Kiến Hòa (nay là huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre). Ông là con của một gia đình giàu có, quyền thế. Mẹ là bà Lê Thi Sen. Cha tên Nguyễn Thành Trúc, từng làm chánh tổng cho Pháp từ năm 1940 đến năm 1944.
- Năm 1928, ông sang Pháp du học tại trường cao đẳng hóa học Rouen và một số trường nổi tiếng khác như Pensionat des lafristes tại Lyon, Saint Joseph et Saint Marie tại Canes…
- Năm 1935, ông tốt nghiệp kỹ sư hóa học và về nước. Cùng thời điểm này, ông cưới bà Lộ Thị Nga và sinh ra một người con gái tên là Nguyễn Thị Khiêm.
- Năm 1945, ông đến chùa An Sơn ở Bảy Núi, Châu Đốc, quy y cầu đạo với hòa thượng Thích Hồng Tôi. Ông tu theo luật đầu đà, ngồi tại bệ đá trước cột phướn chùa suốt 3 năm, đêm ngày tịnh khẩu, chịu đựng gió sương, thân hình chỉ còn da bọc xương.
- Năm 1948, ông trở về Định Tường (nay là Tiền Giang) ngồi tựa mé sông trên cầu Bắc, hành đạo mặc kẻ qua người lại. Hai năm sau (năm 1950), ông trở lại xã Phước Thạnh dựng đài bát quái cao 14 thước, đêm đêm lên ngồi hành đạo trên đài, choàng một manh áo, chịu đựng mưa nắng.
- Năm 1958, ông gửi thư phản đối Tổng thống Ngô Đình Diệm về một chính sách, nên bị bắt giam, sau được thả ra.
- Năm 1963, ông đến Cồn Phụng thuộc xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre xây dựng chùa Nam Quốc Phật, và tại đây ông lập ra đạo Dừa.
- Năm 1967, ông nhờ báo chí tuyên truyền đạo của mình và ra tranh cử tổng thống Việt Nam Cộng hòa nhưng thất bại.
- Sau năm 1975, Đạo Dừa bị nhà nước cấm, toàn bộ tài sản bị nhà nước trưng dụng. Ông tìm cách vượt biên nhưng không thành và bị đưa đi học tập cải tạo.
- Chiều ngày 12 tháng 5 năm 1990, công an Bến Tre cùng công an địa phương đến yêu cầu ông trở về nơi cư trú cũ vì ông có hành vi tuyên truyền mê tín dị đoan. Tuy nhiên, một số người thân cận ông chống lại lực lượng thi hành công vụ. Trong lúc hỗn loạn, ông chạy từ trên cầu thang xuống thì bị té dẫn đến chấn thương sọ não và chết sau vài tiếng, hưởng thọ 81 tuổi.
Kinh nghiệm khi du lịch tứ linh cồn “Long – Lân – Quy – Phụng”
Thông tin tham quan
- Cồn Long: Cù lao Tân Long – xã Tân Long – thành phố Mỹ Tho – tỉnh Tiền Giang.
- Cồn Lân: Cù lao thới Sơn – xã Thới Sơn – thành phố Mỹ Tho – tỉnh Tiền Giang.
- Cồn Quy: Cù lao Biện Quy – xã Tân Thạch, Thới Sơn – huyện Châu Thành – tỉnh Bến Tre.
- Cồn Phụng: Cù lao Tân Vinh – xã Tân Thạch, Thới Sơn – huyện Châu Thành – tỉnh Bến Tre.
Di chuyển
Có hai cách để bạn di chuyển đến các tứ linh cồn “Long – Lân – Quy – Phụng”. Một là bến tàu Chương Dương ở cồn Quy ở địa phận tỉnh Bến Tre, hai là bến tàu 30 tháng 4 của địa phận thành phố Mỹ Tho – tỉnh Tiền Giang.
Việc di chuyển có thể mua tour trực tiếp tại các công ty lữ hành ở bến tàu du lịch 30 tháng 4 như: Công Đoàn, Tiền Giang, Mekong, Cồn Phụng, … hoặc thông qua các hộ kinh doanh cá thể tại địa phận cồn Quy bên địa phận Bến Tre.
Lưu ý một điều khi di chuyển tham quan tứ linh cồn “Long – Lân – Quy – Phụng” là hoàn toàn bằng tàu, thuyền và xuồng ba lá. Riêng chỉ khi đặt chân lên cồn thì có thể di chuyển bằng đường bộ với các phương tiện như xe máy, xe đạp, xe ôtô loại nhỏ và xe ngựa. Chính vì vậy khi chọn điểm xuất phát, bạn phải cần có lịch trình chính xác để khỏi phải gặp khó khăn. Tuy nhiên một gợi ý là bạn nên chọn điểm xuất phát ở bến tàu 30 tháng 4 ở thành phố Mỹ Tho – tỉnh Tiền Giang. Tại đây bạn sẽ có nhiều lựa chọn hơn và việc di chuyển cũng dễ dàng hơn.
Ngoài ra, nếu bạn mua tour của các công ty lữ hành thì giá tour dành cho một người tham quan và trải nghiệm tất cả dịch vụ tại 4 cồn không cao, thường từ 300,000 vnđ – 500,000 vnđ/ người.
Một số lưu ý cần biết
- Khoảng thời gian vui chơi tại tứ linh cồn nên bắt đầu từ 9h sáng đến 3 hoặc 4h chiều là hợp lý.
- Nếu số lượng đi từ 5 người trở lên thì nên mua land tour tại bến tàu 30 tháng 4 (thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) để có hướng dẫn viên theo đoàn hỗ trợ mọi dịch vụ.
- Nên mua tour tham quan hết cả bốn cồn “Long – Lân – Quy – Phung”.
- Miền tây sông nước tuy có khí hậu ôn hòa, tuy nhiên vào mùa khô thì nắng rất gắt, vì vậy bạn cần đem trang phục có thể chống nắng tốt, nhưng phải phải nhẹ nhàng để thuận tiện cho việc di chuyển.
- Lưu ý an toàn khi di chuyển trên tàu và xuồng ba lá khi đi tham quan..
- Kinh phí cho một chuyến du lịch tại tứ linh cồn chỉ tầm 400,000 vnđ – 500,000 vnđ/ người.
- Tham khảo đầy đủ thông tin nếu muốn đi một chuyến tự túc.