Với sự phát triển của nền văn hóa Chăm Pa từ những thế kỷ trước, những công trình mà họ để lại thực sự là một tuyệt tác để người đời sau phải ngưỡng mộ. Tháp Đôi ở Quy Nhơn là một công trình kiến trúc như vậy.
Hôm nay, bạn và mình hãy cùng nhau khám phá những vẻ đẹp bí ẩn đó nhé.
Nội dung bài viết
Tháp Đôi Quy Nhơn – nhân chứng lịch sử
Là một vùng đất thuộc vương quốc Chăm Pa xưa, không khó để bạn tìm thấy ở Bình Định những di chỉ vẫn còn đứng đó sau bao nhiêu năm dãi dầu nắng mưa.
Những người Quy Nhơn hay nói đùa rằng “gương mặt của thành phố là biển, tâm hồn của họ gửi gắm ở đồi Thi Nhân, cơ thể họ được rèn giũa bởi võ cổ truyền, tính cách của họ được tạo nên bởi sương gió nơi đây và lịch sử của họ chính là Tháp Đôi”.
Nói vậy thực sự không ngoa xíu nào, vì tháp Đôi chính là một “nhân chứng” chứng kiến sự thay đổi của thành phố Quy Nhơn. Nó chứng kiến nơi này từ một vùng đất cằn cỗi, sỏi đá, bị chiến tranh tàn phá để vươn dậy mạnh mẽ, trở thành một trung tâm hành chính của một tỉnh có nền kinh tế phát triển bật nhất khu vực Nam Trung Bộ.
Nếu có ai hỏi về Tháp Đôi như thế nào. Tôi chắc chắn sẽ đáp bạn không thể bỏ qua điểm tham quan này khi đến Quy Nhơn. Một ngọn tháp có sự hòa quyện của lịch sử, sự phá cách được tạo bởi nắng gió nơi đây, sự quyến rũ, đằm thắm như một quý cô đã trải qua nhiều sóng gió và tất nhiên. Và điều cuối cùng nó không lẫn lộn với bất cứ thứ gì ở Quy Nhơn mà bạn đã được thấy trước đây.
Tháp Đôi ngoài việc là một di chỉ còn sót lại của nền văn hóa Chăm Pa xưa, thì nó cũng chính là một phần không thể thiếu trong tâm khảm của người Quy Nhơn. Người Quy Nhơn đi xa mãi nhớ về cung đường biển An Dương Vương xinh đẹp, nhớ về ngọn tháp Đôi tọa lạc tại góc đường Trần Hưng Đạo hiên ngang, hiển hách như chính lịch sử nơi đây. Và tháp Đôi như một điều gì đó tốt đẹp, mong ngóng họ trở về nơi quê cha đất tổ.
Đường đi đến Tháp Đôi
Bản đồ vị trí của Tháp Đôi
Từ trung tâm thành phố Quy Nhơn
Từ trung tâm thành phố Quy Nhơn bạn mất khoảng 20 phút để di chuyển đến với Tháp Đôi Quy Nhơn bằng xe máy/ ôtô. Bạn đi theo hướng về ngã 3 Phú Tài, đến vòng xoay ngay ngã ba bạn nên rẽ phải qua đường Hùng Vương (quốc lộ 1D). Đi thẳng đường Hùng Vương, bạn sẽ thấy một vòng xoay, chạy nửa vòng xoay tiếp tục đi trên con đường Hùng Vương, qua cầu Đôi một đoạn bạn sẽ thấy được tháp Đôi bên phía tay trái của mình.
Từ bến xe khách Quy Nhơn
Từ bến xe khách Quy Nhơn bạn có một khoảng thời gian ngắn hơn để đến được Tháp Đôi, 15 phút cho chuyến hành trình.
Bạn rẽ phải ra đường Tây Sơn, gặp ngã ba bạn sẽ rẽ trái qua đường biển tuyệt đẹp An Dương Vương, hãy hóng gió biển cho chuyến hành trình thêm trải nghiệm nhé. Đi thẳng đường An Dương Vương bạn rẽ trái ngay vòng xoay tượng đài Nguyễn Sinh Sắc, Nguyễn Tất Thành để vào đường Nguyễn Tất Thành, qua hai vòng xoay nhưng bạn vẫn ở đường Nguyễn Tất Thành nhé. Đến cuối đường thì bạn rẽ trái qua Trần Hưng Đạo, đi một đoạn Trần Hưng Đạo, Tháp Đôi sẽ nằm bên tay phải của bạn
Những câu chuyện thú vị về Tháp Đôi ở Quy Nhơn
Tháp Đôi, hay còn được gọi là tháp Hưng Thịnh, gồm có hai tháp là tháp phía Bắc và tháp phía Nam nằm cạnh nhau tại góc đường Trần Hưng Đạo, phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn.
Sau những lần mài mòn của tự nhiên trong suốt những thế kỷ trước, năm 1990 những chuyên gia đã tu tạo lại tháp để có được hình dáng như xưa. Tháp được xây dựng trên một ngọn đồi bằng phẳng và cả hai tháp đều quay mặt về phía Nam của thành phố.
Hai tháp tuy có cùng hình dáng và cấu trúc là than hình khối vuông và mái hình tháp mặt cong, nhưng ngôi tháp phía bắc cao hơn tháp phía nam.
Theo lời những người sống ở đây kể lại rằng. Vốn dĩ xưa kia vua Chăm Pa có kế hoạch xây dựng nên một ngôi tháp thứ ba. Nhưng một vài lí do gì đó mà vua Chăm Pa đã hoãn việc xây dựng lại, cho nên ngày này chúng ta chỉ thấy được hai ngọn tháp này.
Kiến trúc Tháp Đôi có gì đặc biệt?
Tháp Đôi Quy Nhơn được xây dựng vào khoảng thế kỷ X đến XV theo lối kết hợp nhiều kiểu kiến trúc khác nhau trong cùng một tác phẩm. Tháp lớn cao 20m và tháp nhỏ cao 18m.
Hầu hết những ngọn tháp này đều bị hư phần đỉnh tháp. Tuy nhiên bạn dễ dàng cảm nhận được không khí mát rượi tự nhiên khi bước vào tháp mặc dù bên ngoài trời nóng như đổ lửa. Đó là một điều đặc sắc, bí ẩn mà không có bất kỳ kiến trúc nào có thể mang lại.
Cả hai ngôi tháp ở Tháp Đôi đều không phải là tháp vuông nhiều tầng truyền thống của Chăm Pa, mà là một cấu trúc gồm hai phần chính: khối than vuông vức, và phần đỉnh hình tháp mặt cong, vì vậy nhìn qua các ngôi tháp Đôi có dáng vẻ của những đền thờ Khmer thời Angkor thịnh vượng.
Tháp Đôi có những hình chim thần Garuda bằng đá với hai tay đưa cao, trang trí các góc tháp, là những sản phẩm chịu ảnh hưởng mạnh của nghệ thuật Khmer thế kỷ 12-13. Tuy nhiên toàn bộ phần dưới và phần thân của tháp Đôi Quy Nhơn vẫn giữ nguyên hình dáng, cấu trúc và kiểu trang trí đặc trưng của những ngôi tháp Chăm truyền thống.
Mặt tường bên ngoài được trang trí bằng cửa giả, các mặt nổi nằm ở giữa các cột ốp, vòm bên trên các cửa giả vút cao lên thành những mũi lao, các cột ốp trơn nhẵn.
Tháp phía nam sau một khoảng thời gian dài “bươn chải với gió sương” đã không còn nguyên vẹn như xưa. Tuy nhiên vẫn còn những lối kiến trúc đặc trưng của nền văn hóa Chăm Pa như: vòm cửa giả, các hình trang trí trên các tầng trên đỉnh hình tháp cũng tương tự như tháp bắc. Và xưa kia, hệ thống chân tường bằng đá như tháp Bắc.
Tất cả những lối kiến trúc đó, những ngọn tháp đó nằm trên một khoảng sân rộng 6000 mét vuông với những rặng cây um tùm, tỏa bóng mát hết một vùng không gian của tháp. Dưới sân là thảm cỏ xanh mướt, mát rượi níu chân bạn mỗi khi đến nơi đây.
Giá vé tham quan Tháp Đôi ở Quy Nhơn, Bình Định
Ngắm lịch sử của một nền văn hóa phát triển rực rỡ chỉ tốn 8.000đ cho việc vào cổng. Còn điều gì ngăn cản bạn đến với một địa điểm mang màu sắc tôn giáo đặc sắc, là sự kết hợp giữa nền văn hóa Chăm Pa và Khmer nữa nào. Hãy cùng khám phá nhé, chúc bạn có một chuyến đi nhiều điều thú vị!
À, nhớ là nên đến vào buổi sáng để có những bức hình đầy cổ điển, lãng mạn nhé!